Nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn
Những bộ phim đề tài nông thôn thời gian qua vẫn có sức hút mạnh mẽ và gây ấn tượng đối với khán giả như: "Mùa Xuân ở lại", "Thương con cá rô đồng", "Cô gái nhà người ta", "Mùa hoa tìm lại", "Phố trong làng"… Trong đó, "Mùa xuân ở lại" do NSƯT Nguyễn Danh Dũng đạo diễn, vẽ nên bức tranh nông thôn miền núi phía Bắc hoang sơ mà đặc sắc. Ở đó có đồng bào dân tộc khao khát đổi mới, có những người miền xuôi lên miền ngược xây dựng cuộc sống. Thương con cá rô đồng của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đề cao sự lạc quan, nghị lực tìm ra hướng đi tốt đẹp trong cuộc sống trước khó khăn, nghịch cảnh ở miền quê.
Hay "Cô gái nhà người ta", "Mùa hoa tìm lại" khai thác chuyện lập nghiệp, tình yêu của những người trẻ sau khi học tập ở TP muốn về quê sinh sống, phát triển kinh tế quê hương… Không khai thác nhiều yếu tố kịch tính, lắt léo, "Lối về miền hoa" khai thác đời sống nông thôn, đi vào xây dựng bức tranh đời sống dung dị, chân thực, vốn là màu sắc phim sở trường của đạo diễn Vũ Minh Trí - người luôn tạo ra được sự duyên dáng ở những điều bình thường nhất. Ở "Lối về miền hoa", tuổi trẻ của các nhân vật sẽ thực sự “thanh xuân” với đủ thứ gia vị ngọt ngào lẫn cay đắng; vị của sự bồng bột, của nuối tiếc; vị của tình yêu đầu tựa mật ngọt; vị của sự thất bại mà chẳng sờn lòng; vị điên cuồng mà phấn chấn…
Ngoài câu chuyện lập nghiệp, chuyện tình yêu, tình cảm gia đình cũng được khai thác thú vị khéo léo trong phim. "Lối về miền hoa" góp thêm ví dụ sinh động cho dòng phim về đề tài nông thôn nhẹ nhàng mà có phong vị riêng của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây.
Hay “Mùa hoa tìm lại” của đạo diễn Vũ Minh Trí với bức tranh nông thôn thời hiện đại giàu có hơn về vật chất, nhiều lo toan hơn trong cuộc sống đời thường nhưng sự nghĩa tình, lối sống dung dị, hiền hòa thậm chí có phần bao đồng của người dân nông thôn vẫn được gìn giữ.
Nhiều trở ngại
Đề tài nông thôn cũng đem đến cho các nhà làm phim những khó khăn. Nhà biên kịch Châu Thổ cho biết, trở ngại lớn nhất của phim về nông thôn chính là kịch bản. Thường thì kịch bản về đề tài này vừa phải giữ được đặc trưng của làng quê vừa phải cập nhật xu hướng hiện đại cùng cách xây dựng câu chuyện sao cho gần gũi với cuộc sống nông thôn mới ngày nay. Song lâu nay, số đông nhà biên kịch đã quen với việc viết kịch bản mang tính giải trí thiên về chuyện tình yêu, gia đình, vừa dễ viết và viết nhanh.
Khó khăn nữa mà các nhà làm phim phải đối mặt khi làm phim về nông thôn là xây dựng bối cảnh. Nhắc đến nông thôn, khán giả nhớ đến ngay hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Nhưng thời gian trôi qua, đời sống xã hội ngày một phát triển, nhiều làng quê đã "phố hóa" và "bê tông hóa". Vì vậy, theo biên kịch Châu Thổ, dựng lại bối cảnh xưa rất tốn kém, nếu sử dụng kỹ xảo thì khó đạt được sự sinh động và chân thật. Điều này khiến các đạo diễn bị hạn chế sức sáng tạo, thêm nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian để tìm bối cảnh phù hợp.
Theo đạo diễn Trịnh Lê Phong, đạo diễn phim “Cô gái nhà người ta”, làm phim về đề tài nông thôn có nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất chính là điều kiện sản xuất. Đoàn phim phải chọn bối cảnh ở nhiều nơi khác nhau để tạo thành một làng, diễn viên phải đi xa, rất mất công và tốn kém... Đặc biệt, phim về đề tài nông thôn thường không hút được tài trợ, quảng cáo nhiều như các phim về đề tài tình yêu, hình sự, gia đình, hôn nhân... Bởi vậy rất ít nhà sản xuất mặn mà với phim về nông thôn. Điều này thể hiện rõ ở số lượng phim ra lò hàng năm khá thưa thớt.
Sự thay đổi nhanh chóng của đời sống nông thôn hôm nay đòi hỏi biên kịch cũng như những nhà làm phim phải thực sự “sống với làng” thì mới có thể chuyển tải câu chuyện hấp dẫn tới người xem.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng chia sẻ, đề tài về nông thôn chiếm khoảng 1/3 số lượng kịch bản gửi về Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) hàng năm, tuy nhiên, số kịch bản đủ chất lượng để làm phim lại rất ít.