Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức sống làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn nhưng người dân xã Hồng Vân, huyện Thường Tín với lòng yêu nghề sinh vật cảnh đã chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp, giúp làng nghề đứng vững và phát triển.

Chuyển đổi phù hợp thị trường

Khắp Hồng Vân những ngày cuối năm là hình ảnh những người thợ đang tỉ mỉ với công việc cắt lá, tỉa cành, tạo dáng cho cây cảnh. Cây cảnh có mặt ở Hồng Vân từ lâu, nhưng chỉ mới thực sự phát triển mạnh khoảng 20 năm trở lại đây. Nhiều hộ gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được đồ dùng hiện đại. Trong làng cũng lần lượt xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú cây cảnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, đã làm cho thị trường cây cảnh trầm lắng, giá trị cây chỉ còn bằng 30 - 50% so với trước. Ông Nguyễn Văn Chí, một chủ vườn lớn với hơn 1.000 cây cảnh các loại chia sẻ, thời điểm hoàng kim của làng nghề, gia đình ông thu cả chục tỷ đồng một năm, đến nay chỉ đạt được 3 - 4 tỷ đồng...

Anh Phạm Văn Quỳnh đang chăm sóc cây cảnh tại gia đình.

Không chấp nhận để mất nghề, người dân Hồng Vân đã chuyển sang đầu tư làm những loại cây có giá thấp hơn từ vài trăm ngàn cho đến vài chục triệu đồng để phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dày công tạo những cây cảnh nghệ thuật đẹp để thu hút khách hàng và có thể cạnh tranh trên thị trường. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, người Hồng Vân tìm đến các cơ quan, đơn vị, trường học giới thiệu sản phẩm và tư vấn cách bày trí cây cảnh theo phong thủy, cách chăm sóc cây. Ngoài ra, tăng cường đa dạng chủng loại cây cảnh, để khách hàng có nhiều lựa chọn khi đến với làng nghề. Một số chủ vườn lớn chuyển đổi từ mô hình vườn cây cảnh thành mô hình du lịch sinh thái rất hiệu quả. Việc kết hợp du lịch với làng nghề cũng đang là hướng đi mà lãnh đạo xã Hồng Vân hướng tới.
Mong muốn của làng nghề 
Ông Nguyễn Huy Đăng – Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, hiện nay xã có 2 thôn là Xâm Xuyên và Cơ Giáo đã được TP công nhận làng nghề sinh vật cảnh truyền thống. Với 130 hộ tham gia, diện tích trồng hoa cây cảnh của xã chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp, thu nhập từ hoa, cây cảnh cao gấp hàng chục lần cấy lúa, với mức bình quân từ 300 – 400 triệu đồng/hộ/năm. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, 7 tuyến đường lớn trong xã được trồng các loại hoa ban, phượng, hoa sữa, hoàng yến… tạo cảnh quan sinh thái thu hút khách du lịch. Với mô hình nông trại giáo dục của anh Phạm Văn Quỳnh (thôn Xâm Xuyên), hiện nay, những ngày cao điểm, xã đón hàng chục lượt xe chở khách đến tham quan và trải nghiệm thực tế tại địa phương. Xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nên chính quyền xã đã quan tâm hỗ trợ chủ vườn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, thành lập HTX hoa, cây cảnh để người làm nghề có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Để làng nghề có cơ hội phát triển, hướng tới xây dựng thành công xã du lịch sinh thái, chính quyền và người dân Hồng Vân mong muốn TP có cơ chế đặc thù trong chuyển đổi cơ cấu quỹ đất phù hợp để canh tác. Bên cạnh đó, giúp người làm nghề có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để có vốn quay vòng sản xuất.