Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sung túc làng mộc Áng Phao

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao Dương là xã thuần nông của huyện Thanh Oai, toàn xã có 7 thôn thì 5 thôn có nghề truyền thống.

Trong đó, làng nghề mộc Áng Phao nổi lên như một điểm sáng bởi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Uy tín một làng nghề
Sản phẩm chủ yếu của làng là đồ mộc gia dụng như bàn, ghế, sập, tủ… Nhưng sản phẩm đặc biệt nhất của làng lại là các công trình nhà gỗ cổ. Người thợ Áng Phao luôn đề cao chữ tín trong sản phẩm, lấy chất lượng sản phẩm làm thông điệp thu hút khách hàng.  Vì vậy, lượng khách hàng lựa chọn sản phẩm của làng nghề ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Văn Quyết giới thiệu các công đoạn làm nhà gỗ cổ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết, năm nay mới 55 tuổi nhưng đã có 40 năm làm nghề dựng nhà cổ cho biết: “Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi cả sự dụng công và dụng tâm. Để hoàn thành mỗi công trình, cần từ 3 – 4 tháng, có những công trình cần cả năm. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật điêu luyện, người thợ cần có cả tâm huyết thì tác phẩm làm ra mới đạt độ tinh xảo”. Hiện nay, xưởng của gia đình ông Quyết có doanh thu trên 20 tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ uy tín, thị trường của làng nghề mộc Áng Phao ngày càng được mở rộng từ Bắc vào Nam. Thậm chí, một số sản phẩm đồ gỗ cao cấp đã có mặt ở Lào, Campuchia.
Phát triển ổn định
Phó Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho biết,  nhờ phát triển nghề mộc mà đời sống người dân Áng Phao được nâng cao. Làng có 700 hộ dân thì có tới 50% hộ theo nghề mộc. Hiện nay, làng nghề có khoảng 30 xưởng sản xuất có quy mô lớn, thu hút hàng trăm lao động của địa phương. Thu nhập bình quân của mỗi tay thợ được từ 5 – 6 triệu đồng/tháng, những người có tay nghề cao có thể thu nhập 400.000 – 500.000 đồng/ngày. Xác định vai trò quan trọng của làng nghề đối với kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng bộ, chính quyền xã Cao Dương đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tạo thuận tiện cho các hộ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hàng năm, xã tổ chức mở các lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho lớp thợ kế cận. Mặc dù đã có thị trường tốt, tuy nhiên, làng nghề mộc Áng Phao hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Bởi với nghề mộc cần nguồn vốn tương đối lớn và mặt bằng rộng để sản xuất và tập kết nguyên liệu nhưng hầu hết các hộ sản xuất hiện nay đều thiếu cả 2 điều kiện này. Hiện tại, đa số các hộ phải tận dụng khuôn viên nhà ở để làm nơi sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh hoạt của người dân xung quanh.
Theo ông Anh, để giải quyết tình trạng trên, chính quyền địa phương đã có quy hoạch một điểm công nghiệp làng nghề rộng 3ha. Thế nhưng, do khâu GPMB còn gặp khó khăn nên đến thời điểm này, địa điểm vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của người dân làng nghề là có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và một điểm làm nghề tập trung để yên tâm phát triển sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.