KTĐT - Mở cửa với mức giảm nhẹ, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã phải trải qua những đợt rung lắc mạnh ngay từ đầu phiên khi thị trường giảm gần 0,75% giá trị.
Ngày 8/2, Dow Jones lần đầu tiên kể từ tháng 10/2009 mất mốc 10.000 điểm sau khi nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu khối tài chính trước lo ngại tình trạng bất ổn nợ công ở châu Âu.
Mở cửa với mức giảm nhẹ, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã phải trải qua những đợt rung lắc mạnh ngay từ đầu phiên khi thị trường giảm gần 0,75% giá trị. Nhưng lượng cầu gia tăng đã nhanh chóng đẩy các chỉ số tăng từ 0,15 - 0,47% chỉ sau hơn một giờ giao dịch.
Trong những phiên giao dịch vừa qua, ngưỡng hỗ trợ 10.000 điểm tỏ ra chắc chắn với Dow Jones nên nhiều nhà đầu tư đã tăng mạnh mua vào sau khi chỉ số này đã không bị xuyên thủng phiên cuối tuần trước.
Tuy vậy, lực cầu cũng chỉ tăng mạnh ở khoảng thời gian từ 11h - 13h (giờ địa phương), còn sau đó, các chỉ số bắt đầu đuối dần cùng với lượng cung dần tăng lên.
Dow Jones phiên này luôn trong tình trạng tăng với biên độ không cao nhưng khi giảm thì luôn dẫn đầu biên độ. Thực tế, 4 cổ phiếu khối tài chính (BAC, AXP, JPM, TRV) trong chỉ số này giảm điểm mạnh nhất và chính là nguyên nhân quan trọng đẩy Dow Jones liên tục trong tình trạng mất điểm.
Vấn đề nợ công ở một số nước châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nhà tiếp tục là nỗi ám ảnh với nhà đầu tư ở Phố Wall. Đợt bán tháo cổ phiếu khối tài chính vào cuối phiên giao dịch đã tác động tiêu cực tới diễn biến thị trường khi đường giá của ba chỉ số hình thành hình dốc gần như thẳng đứng.
Là tâm điểm của đợt bán tháo, S&P khối tài chính đã giảm 2,2%, chỉ số KBW mất 1,5%. Trong đó, cổ phiếu JPMorgan mất 1,6%, Bank of America hạ 3%, Citigroup trượt 2,2%, American Express xuống 2,77%, Travelers mất 2,41%.
Trong 30 cổ phiếu của Dow Jones, chỉ có cổ phiếu của Home - Depont (2,11%) và HP (0,57%) tăng điểm.
Sau phiên giảm điểm này, Dow Jones lần đầu tiên kể từ tháng 10/2009 mất mốc 10.000 điểm. Còn S&P 500 giảm tới 8,1% so với đỉnh cao nhất trong 15 tháng, được thiết lập ngày 19/1.
Khối lượng giao dịch phiên này trên sàn New York, American Stock Exchange và Nasdaq đạt 7,91 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức 9,65 tỷ cổ phiếu/phiên của năm ngoái. Trên thị trường cứ có 9 cổ phiếu giảm điểm thì có 5 cổ phiếu lên điểm.
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 8/2: chỉ số Dow Jones sụt giảm 103,84 điểm, tương đương -1,04%, chốt ở mức 9.908,39.
Chỉ số Nasdaq xuống 15,07 điểm, tương đương -0,7%, chốt ở mức 2.126,05.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 9,45 điểm, tương ứng -0,89%, đóng cửa ở mức 1.056,74.
Những thông tin đáng chú ý trong tuần:
Thứ Ba: Công bố số liệu về hoạt động thương mại; đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 3 năm; UBS, Disney công bố kết quả kinh doanh.
Thứ Tư: Công bố về cán cân thương mại; đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 10 năm; Sprint Nextedol, Prudential công bố kết quả kinh doanh.
Thứ Năm: Công bố doanh thu bán lẻ; công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; đấu thầu trái phiếu kỳ hạn 30 năm; Pepsi, Philip Morris công bố kết quả kinh doanh.
Thứ Sáu: Công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng.
Thị trường | Chỉ số | Phiên trước | Đóng cửa | Tăng/giảm (điểm) | Tăng/giảm (%) |
Mỹ | Dow Jones | 10.012,23 | 9.908,39 | 103,84 | 1,04 |
Nasdaq | 1.746,12 | 2.126,05 | 15,07 | 0,70 | |
S&P 500 | 1.066,19 | 1.056,74 | 9,45 | 0,89 | |
Anh | FTSE 100 | 5.060,92 | 5.092,33 | 31,41 | 0,62 |
Đức | DAX | 5.434,34 | 5.484,85 | 50,51 | 0,93 |
Pháp | CAC 40 | 3.563,76 | 3.607,27 | 43,51 | 1,22 |
Đài Loan | Taiwan Weighted | 7.212,87 | 7.215,88 | 3,01 | 0,04 |
Nhật Bản | Nikkei 225 | 10.057,09 | 9.951,82 | 105,27 | 1,05 |
Hồng Kông | Hang Seng | 19.665,08 | 19.550,89 | 114,19 | 0,58 |
Hàn Quốc | KOSPI Composite | 1.567,12 | 1.552,79 | 14,33 | 0,91 |
Singapore | Straits Times | 2.683,56 | 2.693,62 | 10,06 | 0,37 |
Trung Quốc | Shanghai Composite | 2.939,40 | 2.935,17 | 4,23 | 0,14 |
Ấn Độ | BSE | 15.915,65 | 15.935,61 | 19,96 | 0,13 |
Australia | ASX | 4.532,50 | 4.538,80 | 6,30 | 0,14 |
Việt Nam | VN-Index | 493,04 | 491,20 | 1,84 | 0,37 |