Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Suy ngẫm từ tác phẩm “Đường về Thăng Long”: Võ Nguyên Giáp - một danh từ Việt Nam

Nhà văn, PGS.TS Bùi Việt Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ rất khó khăn với nhà văn khi tái hiện nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì cái “khoảng cách sử thi”, như các nhà lý luận đã chỉ ra.

Nhưng tác giả Nguyễn Thế Quang trong tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” đã khéo léo vượt qua cái ranh giới tưởng như nhất thành bất biến này.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm

Ngay chương 1 của cuốn tiểu thuyết, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện, từ đó cho đến dòng cuối, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Hình tượng Đại tướng là con người của tinh thần “dĩ công vi thượng”, cao như Thái sơn, dài như Hồng Hà. Con người của hành động với trí tuệ mẫn tiệp tuyệt vời, tình cảm sâu thẳm vì nước, vì Nhân dân.
 Bìa cuốn tiểu thuyết ''Đường về Thăng Long'' của nhà văn Nguyễn Thế Quang.
Nếu nói tinh thần đối thoại lịch sử cũng chính là đối thoại về Nhân dân. Hơn 500 trang sách chỉ tập trung khai thác thể hiện cuộc dấn thân vĩ đại của một thế hệ vàng, suốt đời vì nước vì dân. Tiểu thuyết tiếp cận trang trọng nhiều nhân vật lịch sử tầm cỡ thời đại: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và tiếp đến là các học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…; những nhân sĩ trí thức, những bậc túc nho của đất nước như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên… Nhưng cần chú ý là, trong “Đường về Thăng Long”, có thể nói tác giả đã vượt qua được những rào cản về tư tưởng, tình cảm để công bằng khi “chạm” đến các nhân vật lâu nay được coi là những “tập mờ” (khái niệm Toán học) như Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Vĩnh Thụy, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… Nhân vật Võ Nguyên Giáp sẽ, theo tôi, trở nên “lẻ loi” nếu thiếu mối liên hệ rường cột với các nhân vật lịch sử cùng thời khác như đã nói. Họ là những thỏi nam châm cực mạnh có sức hút nhau khó cưỡng.

“Giải phẫu” khoảng mờ lịch sử

Đọc “Đường về Thăng Long”, tôi thấy, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp có “hào quang”, một hiện tượng hiếm thấy trong các tiểu thuyết lịch sử từ trước tới nay. Nhưng nhân vật này không khiến độc giả “kính nhi viễn chi”, trái lại gần gũi, ruột thịt, thậm chí như có thể tri âm tri kỷ.
Tác giả Nguyễn Thế Quang cũng đã mạnh dạn đi sâu tái hiện chuyện tình cảm riêng tư của nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (với “vong linh” của người vợ trẻ quá cố Nguyễn Thị Quang Thái, cũng như quan hệ với người phụ nữ khác sau đó). Nhưng không khêu gợi trí tò mò bằng các “chiêu” câu khách. Nếu có viết về sự “phân thân” của nhân vật cũng chỉ nhằm làm cho nó đầy đặn, sinh động, linh hoạt, “mềm hơn”, gần gũi và đời hơn. Nói cách khác là tác giả đã khá thành công khi đi tìm cái gọi là “con người trong con người” (theo quan điểm của nhà bác học Nga M. Bakhtin, tác giả của công trình Lý luận và thi pháp tiểu thuyết đã dịch và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam).

Tôi đồng tình với ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong lời giới thiệu in đầu sách: “Tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật”- đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hay những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có…”. Theo lý thuyết văn học thì cách viết của tác giả trong “Đường về Thăng Long”, là nương theo phép của “cái khả nhiên” (cái có thể có). Có vẻ như tác giả tin tưởng vào xác tín của mình nên đã mạnh dạn “giải phẫu” những “ca” phức tạp của lịch sử như Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam… Tác giả đã thoát ra được khá xa lối viết “nệ thực”.

Võ Nguyên Giáp là một trong số những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tác phẩm này, ông hiện lên khiêm nhường nhưng quả cảm, bình tĩnh nhưng mưu lược, kiên trì nhưng không bỏ lỡ thời cơ khi vận nước đến. Hạnh phúc của Đại tướng là được ở bên lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Người chia sẻ ngọt bùi đắng cay, đồng cam cộng khổ, được Người dìu dắt trên cuộc trường chinh vĩ đại giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới hòa bình, hạnh phúc, tự do.