Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sydney - 40 năm Nhà hát Opera

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sydney không phải là thủ đô của Australia nhưng ở đây lại có một trong những biểu tượng đặc trưng nhất và nổi tiếng nhất của đất nước này.

Nó được khánh thành cách đây đúng 40 năm: Nhà hát Opera. Thiết kế kiến trúc có một không hai trên thế giới của toà nhà này cũng như sự hài hoà của nó vào môi trường xung quanh và giá trị văn hoá đối với người dân trên đất nước này là những nhân tố tác động đáng kể nhất tới quyết định của UNESCO năm 2007 công nhận Nhà hát Opera là di sản văn hoá của nhân loại.

Ngày nay, Nhà hát Opera này nổi tiếng thế giới đến mức ít ai còn nhớ đến những tai tiếng đã xảy ra trong quá trình xây dựng nó. Năm 1957, Chính phủ Australia chọn địa điểm và tổ chức thi chọn thiết kế kiến trúc. Thiết kế của kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Utzon được chọn và năm 1959 bắt đầu khởi công xây dựng. Sau 14 năm nó mới được hoàn thành, tiêu tốn không phải chỉ 7 triệu Dollar Australia như dự toán mà lên tới 102 triệu Dollar Australia. Mâu thuẫn giữa kiến trúc sư và Chính phủ Australia về công trình này leo thang đến đỉnh điểm với việc kiến trúc sư bỏ về Đan Mạch năm 1966 và từ đó không lần nào trở lại Australia. Thiết kế nội thất và bố trí không gian bên trong cũng không thật thích hợp. Dù vậy, Nhà hát này nhanh chóng trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Hàng năm có tới 7 triệu người đến thăm công trình này và 1,3 triệu người đến nghe hoà nhạc hay xem trình diễn nghệ thuật trong Nhà hát. Công ty Kiểm toán quốc tế Deloitte ước tính giá trị hiện tại của Nhà hát Opera này vào khoảng 3,25 tỷ Euro và nếu đúng như thế thì nó là bất động sản đắt giá nhất ở xứ này.

Nhưng đáng kể hơn thế là giá trị văn hoá và tinh thần của nó đối với Australia. Nó trở thành biểu tượng quốc gia, làm thay đổi nhận thức của chính người dân ở Australia về mình và đất nước cũng như của người nước ngoài về Australia.