Thứ nhất, Taliban không thực hiện những phát biểu công khai về thành lập Chính phủ sau khi kiểm soát Thủ đô Kabul của nước này là thành lập chính phủ với sự tham gia nhân sự của cả những phe cánh chính trị khác và có thành viên Chính phủ là nữ. Điều này khiến cho những ai hoài nghi về Taliban "tiền hậu bất nhất" sẽ có thêm bằng chứng và lập luận. Thứ hai, tất cả thành viên Chính phủ, cho dù một số mới chỉ là tạm quyền, đều là những nhân vật chủ chốt trong bộ máy, hệ thống và trật tự quyền lực của Taliban từ trước đến nay. Điều này phản ánh định hướng quan điểm hiện tại của Taliban là trước mắt cứ lặp lại thời trước đã còn khác trước đến đâu sẽ tính sau, tuỳ thuộc vào sự bức bách của tình thế buộc phải thay đổi. Bởi vậy, nếu không vì sự o ép phải thay đổi để quản trị đất nước thành công trong thế giới hiện đại và nếu không bị áp lực từ bên ngoài thì chắc chắn Taliban hiện tại sẽ cầm quyền không khác gì ở thời đã từng cầm quyền trên mọi phương diện chính sách. Thứ ba là việc đề cử ông Sirajuddin Haqqani làm Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền. Đã từ nhiều năm nay rồi, Mỹ coi tổ chức mang tên người này là khủng bố và treo thưởng cho việc bắt giữ người này. Việc Taliban đưa người này vào nội các xem ra nhằm mục đích thể hiện công khai thái độ bất chấp Mỹ và đồng minh với hàm ý Taliban thắng và phía kia thua, đồng thời làm phép thử tiếp về phản ứng của Mỹ và đồng minh.Với đội ngũ nhân sự Chính phủ này, Taliban khẳng định vị thế quyền lực hiện tại ở Afghanistan nhưng gây trở ngại lớn cho quan hệ với thế giới bên ngoài, đặc biệt với những đối tác trong 20 năm qua đã viện trợ tài chính và nhân đạo nhiều nhất cho Afghanistan. Không cải thiện quan hệ với các đối tác bên ngoài, Taliban dẫu có ưu thế nổi trội đến mấy về quân sự cũng vẫn không thể giải quyết được các vấn đề cấp thiết đang đặt ra về phát triển kinh tế - xã hội và bình ổn tình hình chính trị an ninh ở đất nước này sau chiến tranh.