Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tận dụng chính sách và nguồn lực

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong ngày làm việc thứ nhất tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội Khóa XV là đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm tiếp theo.

Cùng với quyết tâm, nhiều đề xuất, gợi mở để khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, tiềm lực, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất đã được đưa ra.
Nhìn từ kỳ họp có thể thấy, trong điều kiện bị tác động bởi dịch Covid-19, nhưng những con số TP đạt được có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt như GRDP, thu hút đầu tư nước ngoài, số DN được thành lập mới đã mở ra những tín hiệu tích cực trong phục hồi phát triển trong giai đoạn tới. Như các đại biểu đã nhận định, Hà Nội là một trong những nơi duy trì được tốc độ phát triển cao trong thời điểm khó khăn và là điểm sáng trong chỉ đạo điều hành trước tác động bất thường của dịch bệnh.
Trong đó, việc thực hiện tốt “mục tiêu kép” đã tạo cho Hà Nội thêm động lực, niềm tin cũng như điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình tăng trưởng trở lại. Kết quả ấy cũng cho thấy sự chủ động, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh mà con số GDP năm 2020 ước tăng 3,94% - cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước là điểm nhấn.
Đây chính là những tiền đề rất vững chắc để Hà Nội xác định kịch bản tăng trưởng cho năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ XVII Đảng bộ TP. Tuy nhiên, con số GRDP tăng khoảng 7,5% được quyết nghị không hề dễ dàng trước sức ép của cạnh tranh ngày càng gay gắt, cộng thêm cú sốc Covid-19 và những hậu quả của dịch bệnh đã khiến nhiều DN lao đao. Bởi thế, như nhiều chuyên gia và các đại biểu đã chỉ ra, TP vẫn cần nhiều hơn các giải pháp để khơi thông, huy động mọi nguồn lực đảm bảo cho mục tiêu phát triển.
Trong đó, chìa khóa quan trọng vẫn là cộng đồng DN mạnh. Cùng với những giải pháp đã và đang được thực thi, vẫn rất cần sự cộng đồng hơn nữa, hỗ trợ kịp thời và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận chính sách. Các đại biểu cũng đánh giá cao việc Hà Nội chọn cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới, cùng với đó, TP nên thành lập cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh; đặt cao hơn trách nhiệm, công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức để tạo nên động lực tích cực, chính quyền thân thiện.
Bởi với xu thế dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội cần khẳng định rõ quyết tâm của mình trong việc tạo lòng tin với nhà đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng cơ hội cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Đặc biệt, việc tận dụng hiệu quả chủ trương, chính sách lớn từ Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP cũng là vấn đề được đề cập tới. Với các chính sách này, sẽ khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.
Như lãnh đạo TP đã nhận định, từ kỳ họp này, những giải pháp được quyết nghị và gợi mở, các cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý sẽ tiếp tục gỡ những nút thắt, khâu còn yếu kém. Qua đó, góp phần khai thác nhanh và hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của TP.