Tận dụng quỹ đất dự phòng kết hợp đầu tư dài hạn để giảm ùn tắc

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trước áp lực phương tiện ngày càng lớn khi hạ tầng chưa đáp ứng đủ, việc tận dụng quỹ đất dự phòng được xem là giải pháp hiệu quả trước mắt, nhưng về lâu dài, cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Hiệu quả từ xén dải phân cách

Thời gian qua, các tuyến đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc, nghiêm trọng hơn là vào giờ cao điểm và những kỳ nghỉ lễ do lượng phương tiện tăng cao đột biến. Hàng nghìn phương tiện chen chân nhau nhích từng tí một. 

Chị Lê Thị Hà, trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, mỗi ngày 2 lượt chị đi qua trục đường này đến công ty ở Nam Từ Liêm. Vào giờ cao điểm, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để di chuyển, nhất là đoạn từ hồ Linh Đàm đến hầm chui Trung Hòa.

Tuyến đường Khuất Duy Tiến ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.
Tuyến đường Khuất Duy Tiến ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm.

"Tuyến đường này ngày thường đã tắc, vào những ngày lễ, đoạn qua UBND quận Thanh Xuân phương tiện chật kín cả vỉa hè nhưng vẫn không thể di chuyển được" - chị Hà chia sẻ.

Anh Trần Văn Bằng, người dân sống bên đường Khuất Duy Tiến thông tin: “Cứ vào giờ cao điểm là tắc đường. Có không ít hôm, tắc đường Khuất Duy Tiến giữa trưa nắng. Những năm trở lại đây, trục đường này ngày một ùn tắc nghiêm trọng hơn”.

Mặc dù có thiết kế hiện đại bậc nhất Thủ đô với đường Vành đai 3 trên cao và đường di chuyển dưới thấp cùng với hệ thống hầm chui tại các nút giao lớn, tuy nhiên trục đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng lại luôn trong tình trạng ùn tắc.

Ùn tắc trong giờ cao điểm tại đường Phạm Hùng.
Ùn tắc trong giờ cao điểm tại đường Phạm Hùng.

Trước thực trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên trục đường này khi tiến hành xây dựng hệ thống thoát nước cho nhà máy nước thải Yên Xá, mới đây, Sở GTVT Hà Nội cùng các sở, ban ngành liên quan đã quyết định tiến hành xén dải phân cách giữa một bên đối với đường Nguyễn Xiển.

Đơn vị thi công tiến hành xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển rộng 5 - 6m cách lòng đường hiện trạng 0,5m theo chiều đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển - tuyến đường số 1 bao quanh khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An làm đường tạm phục vụ công tác phân luồng giao thông.

Làn đường tạm rộng 5 - 6m chỉ cho phép ô tô con, xe máy lưu thông, đầu nối vào có lắp đặt khung hạn chế chiều cao tránh xe tải lưu thông vào để đảm bảo an toàn cho kết cấu của đường Vành đai 3 trên cao.

Đại diện Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Xén dải phân cách đường Nguyễn Xiển đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc giảm ùn tắc trên đoạn đường này”.

Theo vị đại diện này, người dân sử dụng làn đường mới được xén này rất đông, vì không phải tham gia giao thông chung với các xe to lại ít bị giao cắt với các tuyến đường khác.

Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp

Gần đây, Sở GTVT đã cho phép tổ chức xén dải phân cách tại đường Nguyễn Xiển…, tuy nhiên, mới chỉ giải quyết một phần ách tắc trên trục đường. Bởi dù nằm trên một trục nhưng các tuyến Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng lại chưa đồng bộ lòng đường khiến phương tiện giao thông di chuyển qua trục này vẫn gặp khó khăn. 

Làn đường mới được mở trên đường Nguyễn Xiển. 
Làn đường mới được mở trên đường Nguyễn Xiển. 

Nhiều người dân cho rằng, với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc như hiện nay, việc xén dải phân cách, mở rộng lòng đường toàn trục đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng là hoàn toàn cần thiết và cấp bách.

Ngày 16/6, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân. Sau khi nêu hiệu quả của việc xén dải phân cách tại đường Nguyễn Xiển trong thời gian qua, cử tri phường Thanh Xuân Bắc kiến nghị thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu xén dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến làm đường giao thông, góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này.

Lòng đường được mở rộng vào sát chân cầu cạn Vành đai 3 trên cao trên đường Phạm Văn Đồng.
Lòng đường được mở rộng vào sát chân cầu cạn Vành đai 3 trên cao trên đường Phạm Văn Đồng.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, Hà Nội đã thành công trong việc giảm ùn tắc bằng cách xén dải phân cách giữa đường Tôn Thất Thuyết; đường Hoàng Quốc Việt; đường Liễu Giai và Văn Cao.

Thực tế, Hà Nội đang tận dụng quỹ đất dự phòng phục vụ giao thông chưa sử dụng tới. Khi khảo sát thấy lưu lượng phương tiện trên đường đã quá tải, tạo ra nút thắt tại các nút giao, quỹ đất này sẽ được sử dụng để giải quyết xung đột giao thông là hoàn toàn phù hợp.

“Trên trục đường Phạm Văn Đồng nằm dưới Vành đai 3 trên cao, dải phân cách giữa cơ bản được sử dụng hết, sát vào chân cầu cạn. Hiện nay, ngoài đoạn dải phân cách đã được xén một chiều đường Nguyễn Xiển, đường Khuất Duy Tiến, Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng vẫn còn phần dải phân cách rất rộng hoàn toàn có thể xén để mở rộng lòng đường thêm 1 - 2 làn xe” – ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.

Khi hỏi về vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, song song với việc xén dải phân cách, xây dựng thêm cầu vượt qua các nút giao, mở rộng diện tích lưu thông, về lâu dài, Hà Nội phải đẩy mạnh các nhóm giải pháp đồng bộ như: vừa giảm thiểu phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, vừa tích cực đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

 

Theo các chuyên gia giao thông, để tạo hiệu quả cao khi xén giải phân cách để mở rộng diện tích cho phương tiện lưu thông, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về kết cấu nền đường, giới hạn chiều cao sau khi xén dải phân cách dưới gầm cầu cạn Vành đai 3 trên cao để tổ chức giao thông cho phù hợp. Ví dụ như đặt dải phân cách giữa 2 làn đường, lắp đặt khung giới hạn chiều cao đối với làn đường dưới gầm cầu cạn Vành đai 3.