Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tận dụng ưu đãi xuất khẩu hàng Việt từ FTA: Doanh nghiệp vẫn thiếu chủ động

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) đưa vào thực hiện, cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đang rất rộng mở.

Tuy nhiên, điều đáng lo là số lượng DN quan tâm đến hội nhập còn quá ít, dẫn đến hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi từ FTA chưa nhiều như mong muốn.
Tất cả các thị trường có FTA đều tăng trưởng

Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, đến nay Việt Nam đã đưa vào thực hiện tổng số 10 FTA. Trong đó, tất cả các thị trường ký kết FTA với Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) cao so với thời điểm trước khi có FTA. Đơn cử trong 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK sang Trung Quốc đạt 13,8 tỷ USD, tăng 30,8%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 11,3%; Hàn Quốc đạt 7,2 tỷ USD, tăng 31%...
 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào năm 2015 đã giúp kim ngạch XK dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,5%; năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,8%. FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (có hiệu lực vào tháng 10/2016) giúp kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang Nga tăng từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên khoảng 172 triệu USD năm 2017... Bên cạnh đó, số lượng các lô hàng xin chứng nhận xuất xứ (C/O) để được hưởng ưu đãi thuế (tiêu chí thể hiện mức độ tận dụng FTA) cũng tăng mạnh. Quý I/2018, các tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền đã cấp hơn 216.000 bộ C/O, trị giá 10,657 tỷ USD, tăng tới 40% về trị giá và tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2017. Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, so với các nước tham gia FTA, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trên của Việt Nam là khá cao. FTA đã có đóng góp đáng kể cho XK hàng Việt ra thị trường quốc tế, tuy nhiên dư địa vẫn còn lớn và cần tiếp tục được khai thác trong thời gian tới.

Doanh nghiệp chưa tận dụng hết cơ hội

Thực tế cho thấy, mặc dù XK hàng Việt tới các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng số lượng DN biết tận dụng cơ hội này chưa nhiều. Báo cáo XK của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, hiện chỉ có khoảng 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy, hơn 60% lượng hàng hóa còn lại vẫn phải chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi), cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0 - 5%. Nguyên nhân chính là việc nhiều DN vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại. Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt nhưng nhiều DN vẫn chưa tận dụng tốt, với những FTA mới đòi hỏi những quy định cao, chắc chắn sẽ còn khó khăn nhiều hơn.

Để tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA đã và sẽ ký kết, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về những ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các thị trường đã có FTA. Tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc cấp C/O. Cụ thể, rút ngắn thời gian cấp C/O; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng việc thí điểm cấp C/O qua mạng internet; triển khai, mở rộng áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; tiếp tục nghiên cứu giảm tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho DN tham gia cơ chế này.

Mặc dù Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN tận dụng tốt nhất các lợi thế từ FTA mang lại trong quá trình XK hàng Việt. Tuy nhiên, bản thân DN cần phải hiểu rõ các quy định trong FTA để vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Nếu DN không chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng sức cạnh tranh thì khó có thể nâng kim ngạch XK hàng Việt ra thị trường quốc tế.