Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương do ông Tô Quang Thu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.

Ông Tô Quang Thu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tại hội nghị
Qua 10 năm, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 3.939 tổ chức Đảng và 5.416 đảng viên; giám sát trên 2.558 tổ chức Đảng và 5.001 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tiến hành kiểm tra, giám sát 298 tổ chức Đảng và 178 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 5.446 tổ chức Đảng và 16.739 đảng viên; giám sát 2.369 tổ chức Đảng và 6.793 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã kết luận có 44 tổ chức Đảng và 17 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; đã chỉ đạo các tổ chức Đảng có thẩm quyền kiểm điểm nghiêm túc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, tập trung làm rõ một số vấn đề như: Việc phối hợp giữa các ban, ngành trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; công tác kiểm tra, giám sát sau khi thi hành kỷ luật; tăng cường cán bộ kiểm tra chuyên trách ở các tổ chức cơ sở Đảng có đông đảng viên...
Thay mặt đoàn kkhảo sát, ông Tô Quang Thu đánh giá cao những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” của tỉnh Quảng Bình. Các cuộc kiểm tra đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, công tác tổng kết rút kinh nghiệm sâu sắc. Quảng Bình đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý, đặc biệt là bài học về vai trò của người đứng đầu. Công tác kiểm tra, giám sát của Quảng Bình qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Quảng Bình cần tăng cường kiểm tra, giám sát có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào những nơi, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan tham mưu; có quy chế phối hợp chặt chẽ; khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, cấp trên làm tốt, nhưng một số cơ sở làm chưa tốt; chú ý hơn đến cơ sở, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, nhận thức, thực tiễn… trong quá trình triển khai.