Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/5, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT Hà Nội do Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín).

Tiêu thụ 35 - 45 tấn gia cầm/ngày

Theo báo cáo của UBND huyện Thường Tín, trong 5 tháng đầu năm 2024, các ngành chức năng tại chợ gia cầm Hà Vĩ đã kiểm tra lâm sàng, phúc kiểm giấy chứng nhận kiểm dịch gia cầm về chợ hơn 2,2 triệu con (bình quân mỗi ngày chợ tiêu thụ 35 - 45 tấn gia cầm). Về nguồn gốc gia cầm thủy cầm nhập về chợ chủ yếu là các tỉnh miền Bắc, miền Trung; các dịp lễ, Tết cầu vượt cung, tiểu thương nhập gia cầm cả các tỉnh miễn Nam như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An…

Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín). Ảnh: Ngọc Ánh
Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín). Ảnh: Ngọc Ánh

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết: nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp về quản lý, đặc biệt tại chốt chợ, nhìn chung các tiểu thương trong chợ đều chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, nội quy trong hoạt động kinh doanh vận chuyển gia cầm; gia cầm về chợ đều có giấy kiểm dịch từ các tỉnh và hồ sơ chứng minh nguồn gốc theo quy định.

Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện gia cầm nhập lậu về chợ; từ năm 2011 đến nay cũng chưa phát hiện tại chợ các chủng cúm gia cầm cũng như nguồn bệnh từ chợ lây lan ra đàn gia cầm trên địa bàn huyện Thường Tín.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tại chợ gia cầm Hà Vĩ, ông Từ Đức Mạnh kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND TP tiếp tục một số nội dung còn đang gặp khó khăn như: sớm nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ giai đoạn 1 (1,7ha, 162 ki ốt), công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng phun khử trùng xe chở gia cầm ra vào chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Ảnh: Ngọc Ánh
Lực lượng chức năng phun khử trùng xe chở gia cầm ra vào chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Ảnh: Ngọc Ánh

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cũng kiến nghị, Sở NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ để công tác kiểm soát, vệ sinh thú y tại chợ đúng theo quy định. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chương trình lấy mẫu giám sát lưu hành virut để làm cơ sở xây dựng các tình huống xảy ra trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại chợ và trên đia bàn huyện, TP; hỗ trợ hóa chất thuốc sát trùng cho chốt kiểm dịch, chợ vào các đợt vệ sinh tiêu độc hàng năm.

Chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường

Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại Đại đánh giá, với số lượng gia cầm trung chuyển, tiêu thụ lớn  hiện đang vào mùa nắng nóng, để hạn chế dịch bệnh phát sinh, chốt kiểm dịch động vật liên ngành TP Hà Nội, Ban Quản lý chợ, UBND xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát gia cầm được vận chuyển ra, vào chợ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển.

Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) cần được thành phố quan tâm, hỗ trợ về nâng cấp hạ tầng và vệ sinh môi trường. Ảnh: Ngọc Ánh
Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) cần được thành phố quan tâm, hỗ trợ về nâng cấp hạ tầng và vệ sinh môi trường. Ảnh: Ngọc Ánh

Cùng với đó, tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh không kinh doanh, vận chuyển gia cầm có các biểu hiện mắc các bệnh cúm A/H5N6, H5N1, H7N9… Mặt khác, chấp hành tốt việc thu gom rác thải trong ngày, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong công tác lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm sự lưu hành của virut cúm, nhằm hạn chế sự lây lan và chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm có thể lây sang người.

Gợi mở về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết: thời gian tới, Sở sẽ hỗ trợ, phối hợp với huyện Thường Tín đề xuất TP đầu tư xây dựng chợ thành mô hình thí điểm về chợ đầu mối, điểm trung chuyển gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm lớn nhất miền Bắc, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Theo đó, huyện Thường Tín cần tính đến việc quy hoạch, phân khu chợ bài bản (khu nhập hàng, khu xuất hàng, khu trung chuyển ứng dụng dải băng chuyền hiện đại, khu nuôi nhốt, khu lấy mẫu kiểm dịch, khu xử lý bảo hộ, khu xử lý môi trường…). Đặc biệt là chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực vận hành, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển gia cầm…

“Mô hình thí điểm này khi đưa vào triển khai thực hiện sẽ đón đầu thụ hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp của thành phố như: Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội và Luật Thủ đô (sửa đổi)” – ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.