Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường đối thoại, giải quyết quyền lợi chính đáng của Nhân dân

Tin, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Sáng 15/9, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn đã đến làm việc và kiểm tra kết quả thực hiện QCDC tại huyện Thạch Thất, trong đó có xã Hương Ngải.

Thời gian qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại huyện Thạch Thất được thực hiện nghiêm túc, có tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế huyện phát triển toàn diện; tình hình an ninh chính trị ổn định, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên; xây dựng khối đại đoàn kết từ trong Đảng đến quần chúng, tạo sự đồng thuận trong từng cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư. Huyện ủy Thạch Thất đã đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiên QCDC ở cơ sở, nhất là trong các loại hình mới, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác thuế đối với hộ kinh doanh cá thể; quản lý trật tự xây dựng và các trường học dân lập trên địa bàn huyện.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, trong công tác quản lý trật tự xây dựng, người dân đã chủ động tham gia quá trình từ lập quy hoạch đến giám sát thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Hạn chế được hiện tượng người dân khiếu kiện hoặc gây cản trở cho công tác bồi thường GPMB, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Từ năm 2013 đến nay đã kiểm tra 1.048 công trình, trong đó có 837 công trình có phép, 63 công trình không phép, 148 công trình trái phép.
Trong công tác GPMB, nhờ thực hiện tốt QCDC trong công khai, minh bạch các quyết định, văn bản pháp lý liên quan đến dự án, kế hoạch GPMB, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư... đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, giảm hẳn các vụ khiếu kiện, đồng thời bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho việc triển khai các dự án trọng điểm của Trung ương, TP, với tổng số gần 2,3 nghìn ha, kinh phí bồi thường GPMB gần 4 nghìn tỷ đồng đã đưa Thạch Thất là huyện có diện tích GPMB lớn nhất TP.

Với tinh thần nghiêm túc, tự phê bình và phê bình, huyện cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện QCDC ở một số nơi vẫn còn chậm, mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, lúng túng trong trong công tác chỉ đạo thực hiện; Việc nhận thức về dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đầy đủ. Có nơi việc xây dựng QCDC  còn theo khuôn mẫu, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn nên kết quả thực hiện còn hạn chế.

Còn tại xã Hương Ngải, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở hơn, nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng cơ sở hạ tầng và nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Việc công khai các thủ tục hành chính, các nội dung phải công khai cho dân biết theo Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH11, những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và những nội dung nhân dân biết để giám sát đều được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của bộ máy chính quyền thay đổi theo hướng gần dân, sát dân; ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Trường đoàn kiểm tra số 1 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao vai trò của các cấp ủy huyện Thạch Thất cũng như xã Hương Ngải, từ phương thức tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời sát sao, đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng Đoàn kiểm tra số 1 thăm, kiểm tra việc thực hiện QCDC tại nhà máy sản xuất thép Năm Lan ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

Đồng chí Trưởng đoàn đề nghị huyện tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo khắc phục những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Thành phố, hướng dẫn tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kiến thức, nghiệp vụ, quy trình thực hành dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; gắn việc thực hiện QCDC cơ sở với việc thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, cần cụ thể hóa hơn nữa trong việc  tăng cường đối thoại, giải quyết quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện QCDC cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn của huyện, xã, nhất là gắn với việc phát triển du lịch. Công khai, minh bạch trong cơ chế, chính sách, trong công tác GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Kiện toàn và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo QCDC cơ sở từ huyện đến các xã. Thường xuyên bổ sung, kiện toàn các quy chế làm việc, quy ước.
* Cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã đến thăm, kiểm tra việc thực hiện QCDC trong loại hình doanh nghiệp tại Công ty Thép Đa Liên và Doanh nghiệp tư nhân cơ kim khí tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất.