Phương án nào cho khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đaMở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa là một vấn đề được quan tâm khi Dự án Bộ Luật này được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua. Đối với nội dung này, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ; quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% - 200% - 300% so với làm việc vào giờ làm việc bình thường và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuậnTheo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, nếu tăng giờ làm thêm phải gắn với tính lương làm thêm giờ lũy tiến, đồng thời đề xuất quy định trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, Tết và ngày nghỉ có hưởng lương. Các đại biểu cũng cho rằng, việc quy định theo hướng này vừa nhẳm bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động cũng như để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán nếu thật sự cần thiết mới huy động làm thêm giờ.Ở một góc nhìn khác, chưa đồng tình với việc tăng thêm thời gian lao động, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng, chúng ta mới tính đến tăng thời gian làm thêm mà chưa tính đến những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Bởi giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm như hiện nay là phù hợp và quy định cho tất cả đối tượng lao động, kể cả DN và khối tư nhân. Quan trọng hiện nay là phải làm sao để lương là chính sách cơ bản cho người lao động, nâng cao mức sống và tái tạo sức lao động. “Do đó khi sửa luật phải làm rõ tiền lương tối thiểu gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ hiện nay, làm sao để không có độ vênh quá lớn và để xã hội chấp nhận” - đại biểu bày tỏ.Sẽ có danh mục ngành nghề được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộnLiên quan đến tuổi nghỉ hưu, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, đa số đại biểu thống nhất phương án, từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng tuổi hưu với nam, 4 tháng với nữ để đạt tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 vào năm 2035 và nam là 62 vào năm 2028. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ danh mục những ngành nghề độc hại, nguy hiểm thì có thể cho nghỉ trước 5 - 10 năm. Vì như ngành than, không có ai làm quá được 50 tuổi. Hay nhiều ý kiến cho rằng, trong giáo dục và y tế người lao động cũng không làm được 62 với nam, 60 với nữ. Bên cạnh đó, nhiều người lao động không đồng ý nâng mà chỉ nâng với khối hành chính sự nghiệp.Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, Bộ đang tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các trường hợp mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Ví dụ, một số công việc có tính chất đặc thù như thể thao, nghệ thuật, giáo viên mầm non... sẽ được quy định theo hướng khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù, người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp. Trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được, có quyền nghỉ hưu sớm. Bộ cũng sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định quyền nghỉ hưu muộn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nguyên tắc là người nghỉ hưu muộn hơn chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc. "Dự kiến tháng 9/2019 Bộ sẽ hoàn thành danh mục những ngành nghề được nghỉ hưu sớm hay muộn hơn" - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho hay.