Tăng giờ làm thêm sao cho hợp lý?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ đề xuất thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ) tăng lên không quá 72 giờ/tháng đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần tăng giờ làm thêm nhưng không tới 72 giờ và áp số giờ làm thêm theo ngày.

Làm thêm 72 giờ/tháng là quá cao

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao khiến cho nhiều DN bị thiếu lao động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có thời điểm DN thiếu tới 40% số lao động làm việc do số người F0, F1 phải điều trị Covid-19 và cách ly.

Công nhân ngành may làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyệnMê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Công nhân ngành may làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyệnMê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khi số lao động nghỉ nhiều, DN buộc phải dồn chuyền, chuyển hàng đến chỗ khác nhờ gia công, ưu tiên sản xuất hàng cần trả gấp, đàm phán với đối tác giãn thời gian giao hàng. Vì thế, khi Chính phủ có đề xuất nâng số giờ làm thêm của NLĐ từ không quá 40 giờ/tháng lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, đó là tin vui đối với nhiều chủ sử dụng lao động.

“Tùy từng công việc và thời điểm, số giờ làm thêm sẽ khác nhau. Như công ty chúng tôi, không phải ngày nào hay tháng nào cũng tổ chức làm thêm giờ, có tháng tăng ca kịch khung quy định, có tháng không nhưng tính tổng cả năm không quá 300 giờ” - Phó Giám đốc Nhà máy Sản xuất Nhôm, Công ty CP Cơ khí Đông Anh Licogi, Thái Hồng Khanh cho hay. Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, dịch bệnh lúc có lúc không nên DN rất khó làm chủ tình hình. Từ quan điểm này, TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội - nơi có cơ sở sản xuất hàng may xuất khẩu với hơn 300 NLĐ bộc bạch: Tôi đồng ý với đề xuất của Chính phủ nâng giờ làm thêm, để khi DN cần gấp đơn hàng thì sẽ sử dụng. Tuy nhiên, việc tăng thời gian làm thêm lên bao nhiêu giờ/tháng thì các hiệp hội, DN thảo luận và dựa trên khảo sát thực tế.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên xem xét lại đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa 72 giờ/tháng, vì mức này quá cao, bằng 180% so với quy định hiện hành. Chính phủ cũng nên quy định cụ thể một ngày NLĐ làm thêm không vượt quá mấy giờ, một tuần không quá bao nhiêu giờ; ví dụ NLĐ làm thêm không quá 4 giờ/ngày, không quá 50 - 60 giờ/tháng. Chính phủ nên có quy định chẻ nhỏ như thế, để DN không yêu cầu công nhân làm việc tới 15 tiếng/ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mỗi ngày chỉ nên làm thêm tối đa 2 giờ

Về phía những chuyên gia lao động, các cán bộ công đoàn cũng cho rằng, thời điểm này, số ca F0, F1 vẫn còn nhiều thì đề xuất nâng số giờ làm thêm là hợp lý nhưng thời điểm khác chưa hẳn phù hợp. Mới đây, ngành Dệt may Hà Nội thực hiện khảo sát, tới 6.000 người F0 trên tổng số 18.000 lao động. Những người F0, F1 nghỉ theo quy định của Bộ Y tế, trong khi DN phải làm đơn hàng gấp đành phải tổ chức tăng ca để cải thiện tình hình.

“Vấn đề đặt ra với đề xuất tăng giờ làm thêm là NLĐ có đảm bảo sức khỏe nếu tăng ca trong thời gian dài, mức lương chủ sử dụng trả cho công nhân có hợp lý? Chính phủ nên căn cứ trên cơ sở khoa học và thực tế để đề xuất nâng thời gian làm thêm giờ/tháng cho phù hợp” - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội Phạm Thanh Sơn nêu ý kiến.

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của NLĐ là một vấn đề hết sức quan trọng. Khi hoàn thiện Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong đó có làm thêm giờ đã được các đại biểu biểu quyết 2 lần. Điều này cho thấy Quốc hội đã cân nhắc, thảo luận rất kỹ về yếu tố sức khỏe, năng suất lao động, thu nhập, mối quan hệ giữa các bên trong quan hệ lao động.

“Tôi đồng ý tăng thêm một số giờ làm việc để công việc của DN tiến triển, có thể hoàn thành những dự án đã ký với khách hàng. Nhưng, số giờ làm việc cũng chỉ được tăng trong mức giới hạn, ví dụ mỗi ngày NLĐ chỉ làm thêm 1 - 2 giờ, thực hiện trong vài tháng. Đến khi người sử dụng lao động thấy rằng hoạt động tạm ổn thì tuyển thêm công nhân, chứ không phải cứ kéo dài thời gian làm thêm” - ông Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị.

Nâng thời gian làm thêm giờ chỉ trong giai đoạn, trường hợp đặc biệt, nếu kéo dài NLĐ sẽ không đủ sức, cũng là quan điểm của Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng.

Thực tế cho thấy, sau đợt bình thường mới, NLĐ trở lại làm việc với tỷ lệ cao, tinh thần vui và thoải mái nên làm việc đạt năng suất rất cao. Vì thế, rất cần Chính phủ xem xét nâng số giờ làm việc theo tháng thấp hơn đề xuất và chỉ nên áp dụng cho một số ngành nghề.

 

Chỉ nên thực hiện làm thêm giờ giai đoạn 2022 - 2023

"Cá nhân tôi cho rằng, cần cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích của NLĐ, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội và an toàn lao động thì mới có thể đồng ý cho NLĐ tăng thời gian làm thêm không quá 300 giờ/năm và mở rộng các ngành nghề, chứ không phải tất cả. Và, nên khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, ở mức tối đa khoảng 52 - 60 giờ/tháng (bình quân 2 tiếng/ngày x 26 ngày/tháng) để tránh sự lạm dụng nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài của NLĐ.

Đồng thời, bảo đảm sự thỏa thuận, đồng ý của NLĐ cũng như quyền lợi, chế độ làm thêm giờ cho họ. Đề xuất nâng thời gian làm thêm chỉ để áp dụng trong trường hợp đặc biệt, trong giai đoạn 2022 - 2023 để phục hồi kinh tế." - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Vũ Minh Tiến

Kéo dài thời gian làm thêm nhiều, người lao động sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe

"Công ty chúng tôi tổ chức làm việc theo ca, chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới bố trí cho NLĐ làm thêm 2 giờ/ngày, một tuần làm thêm không quá 3 ngày và thực hiện đầy đủ quy định về làm thêm giờ. Với đặc thù công việc, NLĐ phải đứng máy liên tục trong thời gian làm việc, nếu kéo dài thời gian làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của họ.

Vì thế, tôi kiến nghị nâng số giờ làm thêm ở mức vừa phải để NLĐ còn có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo gia đình, bản thân và tái tạo sức lao động." - Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP In và thương mại Trường An Hoàng Đức Hùng