Cái khó là “đô thị hóa con người”. Người ta gọi cư dân ở những tòa nhà cao tầng là một “tầng lớp thị dân mới”. Vì ở đó, họ đại diện cho một lối sống mới, hiện đại nhưng cũng kém những điều phức tạp được thừa hưởng từ lối sống làng quê.
Ông bà xưa có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” ý coi trọng tình làng nghĩa xóm. Ngày nay, không ai thấm câu nói láng giềng hơn cư dân chung cư. Bởi khi khoảng cách về độ gần quá sát, họ dở khóc dở cười với hàng xóm.
Anh Hoàng Mạnh Tiến - cư dân chung cư Xuân Phương Quốc Hội (Nam Từ Liêm) tâm sự: “Không giống như sống ở nhà đất, sống chung cư bị ảnh hưởng rất nhiều từ hàng xóm. Còn ở chung cư chỗ tôi, lớp cách âm mỏng nên tầng trên đập cối, chơi nhảy là ảnh hưởng nhà dưới. Thế nhưng, nhiều căn hộ phía trên tầng chọn nửa đêm để cho con nhảy nhót kéo đồ”.
"Tôi có một người bạn, sống ở một khu chung cư có nhà phía trên thì vô ý thức, coi tầng dưới như cái... sọt rác ném hết cả bỉm, rác, thậm chí cả bao cao su xuống ban công. Tôi may mắn không phải sống cạnh những người vô ý thức như vậy. Tuy nhiên, xuống tới sảnh không gian chung lại ức chế với những người coi sân chơi như... nhà họ. Họ chiếm dụng làm của riêng để dựng xe, thậm chí bán hàng la liệt... đến nỗi muốn vào chung cư là phải "lách" qua họ" - anh Hoàng Lân chung cư Tiến Hưng (Xa La, Hà Đông) chia sẻ.
Đối với các chung cư cao cấp, Ban quản lý khu chung cư thường có những quy định về lối sống, cách sinh hoạt cho cư dân tòa nhà, như: Không nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ làm ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ khác (nếu nuôi vật cảnh thì phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật). Nhiều tháng trời, group của cộng đồng cư dân tràn ngập những tiếng nói, tranh luận gắt gao về vấn đề này.
Không chỉ ở chung cư Vinhomes Central Park, Vinhomes Times City ở Hà Nội và một số chung cư khác cũng vấp phải những ý kiến trái chiều như thế về việc nuôi chó mèo trong chung cư. Phải thừa nhận rằng trong danh mục chó cảnh có cả những chú chó Phú Quốc to ngang một đứa trẻ. Tiếng sủa, độ ồn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến căn hộ xung quanh.
Trải qua thời gian, Hà Nội cứ ngày một đông lên, chủ yếu do hai nguồn: Những người nông dân, sau một đêm ngủ dậy bỗng hóa thành thị dân vì có dự án chạy qua nhà mình; hai là dòng người ngoại tỉnh đổ lên TP lập nghiệp. Hà Nội trở thành một "siêu làng", siêu dự án và siêu chung cư.
"Thị dân mới", vì chưa gắn bó với nơi mình sống, họ bê nguyên văn hóa lối sống từ nơi khác về đô thị và tiếp tục duy trì văn hóa lối sống ấy. KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đô thị Việt Nam chỉ hình thành khoảng hơn 100 năm nay, Việt Nam chỉ có văn hóa chung cư từ những năm 1990, khi những khu đô thị mới xuất hiện. Vì lẽ đó, văn hóa chung cư ở các đô thị mới còn lỏng lẻo, chưa có nền tảng.
GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&MT chia sẻ: Với một nhịp sống ồ ạt và xô bồ như hiện nay, việc Hà Nội ban hành hai Quy tắc ứng xử là việc làm cần thiết và đúng đắn để hướng tới xây dựng nếp sống mới, khơi dậy văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng các quy tắc cũng nên có những biện pháp, chế tài để xử lý những người vi phạm. Chế tài ấy không nhất thiết đánh vào kinh tế mà có thể có những cách thức nhắc nhở, răn đe để mỗi người ý thức hơn về hành động, ứng xử, lời nói của mình tại nơi công cộng, nơi mình sống. Cần phải khiến mỗi người biết tự xấu hổ nếu vi phạm những quy tắc này.
Các cư dân ở các khu chung cư rõ ràng là một tầng lớp mới cần được quan tâm điều chỉnh về hành vi ứng xử, để góp phần tạo nên nét thanh lịch văn minh của Hà Nội trong thế kỷ XXI.