Bên cạnh Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, thì Nghị quyết về “Cải cách chính sách tiền lương” cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc nâng cao cuộc sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động”.Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nói rõ: “Cải cách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đây mới chính là nút thắt của vấn đề. Bởi không làm đồng bộ cả hai việc, thì tăng lương cho một bộ máy cồng kềnh, tăng lương cho cả những công chức làng nhàng, thì quả thực là không ngân sách nào gánh nổi. Với 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức trên 93 triệu dân, Việt Nam được xem là quốc gia đông công chức, viên chức nhất Đông Nam Á. Song điều đáng quan tâm không phải công chức nhiều hay ít, mà là hiệu quả làm việc của đội ngũ này như thế nào?Người ta thường kêu ca lương công chức không đủ sống, nhưng ai cũng muốn làm người Nhà nước bằng mọi cách có thể. Có người vào biên chế để “chắc chân”, có cuộc sống “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Thế nên dù chưa rõ thực hư chuyện “30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng xã hội cũng đã hoài nghi về một bộ phận công chức có cũng như không này. Tệ hại hơn là số đối tượng tìm cách vào cơ quan Nhà nước để đục khoét, kiếm chác, làm giàu cho bản thân. Đây chính là mầm mống của tệ nạn quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, chạy chức, chạy quyền… làm xấu hình ảnh nền công vụ trong mắt người dân. Vì thế, nâng lương để đảm bảo cán bộ công chức (CBCC) sống được bằng lương mà toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân đi kèm với việc tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng nền công vụ là mục tiêu lớn nhất mà Nghị quyết T.Ư 7 về Cải cách chính sách tiền lương hướng đến. Vấn đề là làm sao tạo được sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị để việc tinh giản đạt thực chất; tinh giản không đơn thuần là giảm lượng người hưởng lương mà phải chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ này. Về lý thuyết thì những người không làm được việc sẽ phải bị tinh giản đầu tiên. Nhưng chuyện càng tinh giản bộ máy càng phình to cũng là một thực tế tồn tại lâu nay. Một khi cơ chế đánh giá CBCC còn chung chung, tình trạng nể nang, ngại va chạm, rồi nhận xét cho nhau kiểu “bà đưa chân giò, ông thò chai rượu”, anh nói tốt cho tôi, tôi nói tốt cho anh, cuối cùng hòa cả làng, có đến 90% đối tượng tinh giản là người nghỉ hưu trước tuổi, người hưởng chính sách thôi việc ngay, hoặc người chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách… Những tồn tại thời gian qua là bài học kinh nghiệm để Nghị quyết T.Ư 7 về cải cách chính sách tiền lương khi triển khai thực hiện sẽ được tính toán kỹ càng hơn, với những bước đi chắc chắn, khoa học hơn, nhằm đạt mục tiêu trả đủ, trả đúng,trả xứng đáng với năng lực và hiệu quả làm việc của CBCC; để đội ngũ này yên tâm sống được bằng lương mà tận tụy với công việc, không quan liêu, tham nhũng, ngăn chặn và tiến tới chấm dứt nạn chạy chức, chạy quyền, tạo sự chuyển biến căn bản trong nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền liêm chính, hết lòng vì dân.