Tăng niềm tin, giải quyết kịp thời những vướng mắc

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện lời dạy của Bác về gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tại Hà Nội đặc biệt chú trọng giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân.

Trong đó, công tác đối thoại với dân là một giải pháp được thực hiện hiệu quả, đã góp phần củng cố thêm niềm tin, tránh đi những bức xúc.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên tiếp công dân định kỳ tháng 5/2022. Ảnh: Thường Duy
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên tiếp công dân định kỳ tháng 5/2022. Ảnh: Thường Duy

Thêm bước đột phá lớn

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, muốn hiểu dân, thì tiếp công dân, đối thoại với người dân phải được xem là công việc thường xuyên phải làm. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối thoại với dân có thể coi là một “diễn đàn dân chủ của Nhân dân”. Người dân được quyền nói, quyền bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng một cách thẳng thắn trước các vấn đề liên quan đến mình hoặc nhiều người quan tâm.

Thực tế tại Hà Nội cho thấy, việc tiếp dân, đối thoại với người dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Đặc biệt, từ năm 2017, Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về "Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội" được đưa vào triển khai, đây thật sự là "chìa khóa" quan trọng để giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc từ cơ sở.

Tính đến thời điểm này, qua 5 năm thực hiện Quy chế cho thấy, đã giúp việc đối thoại với người dân ngày càng đi vào nề nếp, tránh đi tính hình thức khi các vấn đề được đặt ra được trả lời cụ thể hoặc thúc đẩy việc giải quyết gắn với yêu cầu về thời gian, yêu cầu trách nhiệm.

Một số quận, huyện đã cụ thể hóa quy chế của TP, ban hành quy chế thực hiện tại địa phương; chỉ đạo đưa công tác tiếp xúc, đối thoại vào nhiệm vụ công tác hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể; thường xuyên tuyên truyền về kế hoạch đối thoại, thông báo kết luận sau các buổi tiếp xúc, đối thoại đến với người dân. Tại các hội nghị đối thoại rất nhiều vấn đề đã được đề cập tới, từ vấn đề đất đai, ô nhiễm môi trường, đến trật tự an toàn xã hội, đến các chính sách liên quan đến cơ sở, dân sinh…

Sau 5 năm triển khai Quy chế, cấp TP đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo TP với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện Nhân dân trên địa bàn TP. Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết. Sự gương mẫu, quyết liệt ở cấp TP đã tạo sự lan tỏa đến các cấp, các ngành.

Cấp quận, huyện, thị xã đã định kỳ tổ chức được 210 hội nghị, thu hút gần 46.500 lượt người tham gia với hơn 8.500 lượt ý kiến, kiến nghị; 98,4% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định. Cấp xã tổ chức được 2.955 hội nghị, thu hút 280.343 lượt người tham gia với 42.386 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 97% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời…

Giảm đi bức xúc

Nhìn từ các cuộc đối thoại đã được các quận, huyện tại Hà Nội tổ chức thường kỳ cũng cho thấy, rất nhiều vấn đề người dân băn khoăn, quan tâm đã được thẳng thắn đề cập đến làm rõ giải pháp, trách nhiệm trong xử lý.

Có thể nói rằng, đúng như lời dạy của Bác về việc gần dân, lắng nghe dân để hiểu dân, qua việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc được giải quyết kịp thời, đã tạo nên bầu không khí cởi mở, đồng thuận, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của dân. Đồng thời, qua đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ Nhân dân được nâng cao hơn.

Khi nhiều vấn đề được đôn đốc, kịp thời giải quyết đã hạn chế những vụ việc bức xúc kéo dài. Thống kê cho thấy, số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP đã giảm rõ rệt trong 5 năm qua. Năm 2017, TP đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, TP chỉ còn tiếp nhận và xử lý 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo và 1.748 đơn kiến nghị, phản ánh, nặc danh.

Từ những kết quả đạt được, TP Hà Nội tiếp tục xác định công tác đối thoại tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, “chìa khóa” quan trọng để nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề người dân quan tâm. Trong đó, việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại đã được đặt ra.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong nắm tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân.

Các cuộc đối thoại hiệu quả cao, một mặt kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, đồng thời, các cấp ủy, chính quyền có thể thấy rõ người dân cần gì, đang quan tâm đến vấn đề gì để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, càng làm tăng niềm tin của người dân, giảm đi những vấn đề bức xúc.