Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế lá cờ đầu, không chỉ về số lượng mà còn chất lượng sản phẩm.

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm OCOP tại hội trợ ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm OCOP tại hội trợ ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Thẩm định minh bạch, khách quan

Vừa qua, cơ sở kinh doanh Phương Soát (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) nhận tin vui khi 3 sản phẩm gồm bánh quy vừng vòng, bánh quy trứng nhện và bánh Sampa được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng 3 sao trong Chương trình OCOP. “Hội đồng OCOP TP tiến hành đánh giá rất chặt chẽ, khắt khe đối với 3 sản phẩm của chúng tôi” - chị Đinh Thị Tú Anh, chủ cơ sở kinh doanh Phương Soát chia sẻ.

Thực tế, trong năm 2022, rất nhiều chủ thể đã không đáp ứng được các điều kiện của Hội đồng OCOP TP. Trong số 529 hồ sơ của 195 chủ thể gửi tham gia Chương trình OCOP năm 2022, có 11 hồ sơ của 4 chủ thể thuộc các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ và quận Hà Đông không đủ điều kiện đánh giá, phân hạng, được Hội đồng OCOP TP trả lại, yêu cầu hoàn thiện.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngay từ giai đoạn đầu thực hiện Chương trình OCOP, TP chủ trương không chạy theo số lượng sản phẩm. Chính vì vậy, việc đánh giá, phân hạng được Hội đồng OCOP TP thực hiện nghiêm túc, bảo đảm khách quan, công bằng.

“Thành viên Hội đồng OCOP đến từ nhiều sở, ngành của TP, bám sát các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như quy chế hoạt động của Hội đồng OCOP TP để bảo đảm các sản phẩm được cấp sao là xứng đáng…” - ông Nguyễn Văn Chí thông tin thêm.

Nâng chất lượng sản phẩm

Sau quá trình thẩm định nghiêm túc, trung tuần tháng 3/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Theo đó, 518 sản phẩm của 191 chủ thể đã được TP cấp chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên.

Như vậy, kể từ khi Chương trình OCOP được Chính phủ phát động đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được tổng số 2.167 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 4 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được T.Ư đánh giá, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình Bộ NN&PTNT xem xét, phân hạng; còn lại 1.369 sản phẩm 4 sao và 780 sản phẩm OCOP 3 sao.

Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm, Hà Nội phát triển được hai sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm lĩnh vực dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Cụ thể là điểm du lịch Green Park (huyện Gia Lâm) và điểm dịch vụ du lịch Hồng Vân (huyện Thường Tín). Đây là bước chuyển mới trong nỗ lực phát triển đa dạng sản phẩm OCOP của Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình OCOP, TP chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên để tăng sức cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu mạnh cho sản phẩm OCOP, từ năm 2023, TP sẽ tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm chế biến sâu, đặc sản bản địa; hạn chế tối đa các sản phẩm tươi sống.

Để phát triển bền vững Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ chủ thể đa dạng hóa các mặt hàng; đẩy mạnh kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ; quản lý chặt chẽ và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP, minh bạch thông tin trước người tiêu dùng; phấn đấu đưa OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, khẳng định được uy tín trên thị trường và đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm an toàn của người dân Thủ đô.