Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc tiến thương mại, giải pháp tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội và tỉnh, thành trên cả nước đang mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) thông qua các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại (XTTM) uy tín, quy mô lớn.

Tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 67 sản phẩm của 56 DN, hợp tác xã, chủ cơ sở được công nhận OCOP. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, sản phẩm đều có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại để tìm đầu ra. Ảnh minh họa
Sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại để tìm đầu ra. Ảnh minh họa

Các sản phẩm cũng được đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nên được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhờ đó từng bước tạo dựng uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng.

Thời gian qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã triển khai rất nhiều hoạt động XTTM nông sản. Các sản phẩm của Đắk Nông tham gia kết nối thị trường thời gian qua rất đa dạng. Trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh như: Cà phê các loại, điều rang muối, hạt mắc ca, bơ, cam, quýt, ca cao, mật ong…

Năm 2022, đã có 70 lượt DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình XTTM. Đồng thời, tỉnh có thoả thuận tiêu thụ sản phẩm mắc ca với 3 đối tác và 26 biên bản ghi nhớ được ký kết.

Một số đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ, chuẩn bị tiến hành khảo sát thực tế hoạt động sản xuất, chế biến của cơ sở. Đây là nền tảng để các DN của tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, chế biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại Hà Nội, tính đến tháng 3/2023, TP đã có 1.649 sản phẩm OCOP. Trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được T.Ư đánh giá, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ NN&PTNT xem xét, phân hạng; còn lại 1.098 sản phẩm OCOP 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Tính đến tháng 3/2023, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP. Ảnh: Trọng Tùng
Tính đến tháng 3/2023, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP. Ảnh: Trọng Tùng

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hàng năm Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn TP.

Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn TP cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương trên cả nước. Nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với gần 50 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của TP Hà Nội; được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Mặt khác, nhằm hỗ trợ các DN, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là vào vụ Tết, vụ thu hoạch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch TP Hà Nội (HPA) đã phối hợp tổ chức các hoạt động hội chợ, Festival quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đa dạng hình thức kết nối

Đánh giá về khâu liên kết tiêu thụ của sản phẩm OCOP, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nhận định, trong thời gian qua sản phẩm OCOP có 3 vấn đề cản trở cho hoạt động XTTM

Cụ thể: Đối tượng chủ thể của chương trình OCOP kinh tế quy mô nhỏ và rất nhỏ; tính ổn định trong chất lượng sản phẩm; năng lực XTTM, năng lực tổ chức của các chủ thể OCOP còn yếu. Minh chứng rõ nhất là thị trường quốc tế đang đặt ra rất nhiều những yêu cầu về bao bì, thiết kế, kiểu dáng sản phẩm… theo xu hướng mới nhưng phần lớn các chủ thể OCOP vẫn chưa đáp ứng được.

Do đó, hoạt động kết nối tiêu thụ có vai trò rất quan trọng đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó, thông qua hội chợ, triển lãm sẽ mang đến hình ảnh các sản phẩm OCOP của mỗi vùng miền, mỗi địa phương đến với người tiêu dùng, thị trường. Qua đó nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, chất lượng OCOP và thương hiệu sản phẩm OCOP.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tình trạng nông sản sản xuất chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và cơ chế chưa hấp dẫn thì rất khó thu hút được các DN, hợp tác xã tham gia kinh doanh nông sản.

 

Vấn đề quan trọng nhất là các DN cần tích cực, chủ động tìm kiếm thị trường, đổi mới sáng tạo các phương thức kết nối theo hướng đa kênh, theo chuỗi, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng. Sản phẩm OCOP hàng hóa không chỉ có mẫu mã đẹp, mà phải có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu

Yêu cầu cấp bách để tăng tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng cho DN và hợp tác xã đó là sự chuyển biến mạnh về liên kết vùng.

Để làm được điều này, theo các chuyên gia, rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế.

Song song đó, phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Mặt khác, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng.