Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tốc dự án cao tốc Bắc - Nam

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang bước vào giai đoạn “phi nước đại” với mục tiêu thông tuyến trong năm 2022. Không khí sôi động, gấp rút trên các công trường diễn ra ngay từ những ngày đầu năm.

Vào việc ngay từ đầu năm
Trong số các dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam đã khởi công vào năm 2020, đoạn tuyến Mai Sơn – QL45 có lẽ là một trong những công trường sôi động nhất. Trở lại sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trên công trường đã nhộn nhịp với hàng trăm máy móc và lao động đang hối hả làm việc. Để đảm bảo tiến độ dự án, ngay từ trước kỳ nghỉ Tết, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư quản lý dự án đã quán triệt các đơn vị, nhà thầu vẫn duy trì lực lượng cán bộ, công nhân và máy móc trên công trường thi công xuyên Tết, nhằm đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình trọng điểm này.
 Công trường ''siêu dự án'' cao tốc Bắc - Nam nhộn nhịp ngay từ ngày đầu năm mới Tân Sửu. Ảnh: Vĩnh Nhân
Sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, toàn bộ 5 gói thầu đã thi công đồng loạt. Tại gói thầu số 10-XL, nhà thầu đã huy động 82 thiết bị và gần 100 nhân sự, triển khai 9 mũi thi công, trong đó có hai mũi thi công hầm Tam Ðiệp, hai mũi thi công cầu. Gói thầu số 11-XL, nhà thầu huy động hơn 100 thiết bị, 31 nhân sự chủ chốt và kỹ thuật, tổ chức 14 mũi thi công trong khi gói thầu 12-XL cũng huy động 81 xe máy (gồm ba máy khoan hầm, hai rô bốt phun bê tông), triển khai đầy đủ tám mũi thi công, gồm hai mũi thi công hầm Thung Thi và hai mũi thi công cầu. Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, hiện sản lượng của dự án đạt 146 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch. Dự kiến năm 2021, đạt 30% khối lượng dự án.

Tương tự, công trường tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết cũng sôi động không kém. Trên công trường, các nhà thầu đã huy động thiết bị, máy móc và nhân công để phục vụ công tác thi công. Có thể nói, cao tốc Bắc – Nam phía Đông như một “đại công trường” đang vào guồng hoạt động nhộn nhịp, hối hả. Tất cả vì mục tiêu hoàn thành cơ bản công tác thi công “siêu dự án” này trong năm 2021 để thông tuyến trong năm 2020 mà Chính phủ đặt ra.

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Thông tin từ lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long, công tác bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công hiện chưa đáp ứng yêu cầu, hiện mới bàn giao được 55,64/63,37km cho nhà thầu thi công. Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Bình mới bàn giao được 8,18/14,41km (còn 6,23km), đoạn qua tỉnh Thanh Hóa bàn giao được 47,46/48,96km (còn 1,5km). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này phần lớn bắt nguồn từ sự chậm trễ của địa phương trong việc xây dựng được đơn giá đền bù đối với một số loại đất cũng như xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề...

Tính tới giữa tháng 2/2021, mặt bằng tất cả 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam đều gặp vướng mắc, mới bàn giao 624/652km (đạt 95,6%). Một số địa phương bàn giao chậm dưới mức bình quân chung gồm: Ninh Bình (mới đạt 79,2%), Thanh Hóa (94,9%), Nghệ An (92%); Khánh Hòa (91,5%)...
Trước những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB của dự án, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo các địa phương khẩn trương phê duyệt, cấp phép khai thác mỏ vật liệu để phục vụ thi công. Trên thực tế, khó khăn trong công tác GPMB không phải là vấn đề đơn lẻ tại một vài đoạn tuyến ở trên mà xuất hiện tại tất cả các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam.

Để đẩy nhanh tiến độ, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi kiểm tra hiện trường hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn – QL45 vào ngày 22/2 vừa qua. Đây là hai dự án được chuyển từ hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công và được khởi công trong năm 2020. Cùng với đó, các lãnh đạo của Bộ GTVT cũng tổ chức thị sát những dự án thành phần để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Tại những buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cam kết với Bộ GTVT sẽ bàn giao phần mặt bằng còn lại trong tháng 3 tới. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết có biện pháp bảo vệ nhà thầu thi công những đoạn còn vướng mắc về mặt bằng... Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để sớm hoàn thành GPMB, phục vụ việc thi công dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Ngoài khó khăn về GPMB, các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang vấp phải một khó khăn khác là thiếu vật liệu san lấp nền. Đơn cử như cao tốc Cam Lộ - La Sơn (qua Quảng Trị, Huế) vật liệu đất đắp còn thiếu khoảng 1,6 triệu mét khối; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 17 mỏ đất nhưng sản lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu; cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dù được dự kiến tới tháng 5/2021 mới khởi công nhưng còn thiếu gần 7 triệu mét khối đất và 400.000m3 khối đá dăm.