Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tốc, quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp năm 2020

Trọng Tùng - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 8 tháng cuối năm 2020. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đại diện các sở, ngành, địa phương…

Nông nghiệp ảnh hưởng do dịch bệnh kép
Theo đánh giá, dịch Covid-19 xảy ra đã tác động lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, cũng như các mục tiêu về phát triển nông thôn. Lưu thông, vận chuyển hàng hoá, hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất của ngành gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN, hợp tác xã, hộ nông dân phải thu hẹp sản xuất…
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tại nhiều địa phương có tình trạng người nông dân bỏ ruộng, nhất là vào vụ Đông Xuân hàng năm, do thu nhập từ nông nghiệp không cao bằng ngành nghề phụ… 
 Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ báo cáo tại hội nghị
Những tác động nêu trên đã khiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp quý I/2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ 2019. Trong 3 nhóm ngành, sản xuất trồng trọt giảm 0,6%, chăn nuôi giảm 2,83%, riêng thuỷ sản tăng 7,3%.
Tính đến tháng 4/2020, toàn TP đã có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 353/382 xã (chiếm 92,4% tổng số xã) được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra còn có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định NTM TP đã tiến hành thẩm định đối với 4 xã thuộc các huyện: Gia Lâm (2 xã), Sóc Sơn, Phú Xuyên. Hiện, đang trình UBND TP xem xét, công nhận đạt chuẩn.
Cùng với xây dựng NTM, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đến đầu năm 2020 đạt 51,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,69%. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. 100% số xã có kết nối internet. Hầu hết các hộ có hệ thống thông tin liên lạc…
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, đến nay, UBND TP đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 301 sản phẩm của 75 chủ thể. Theo đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình, đề nghị T.Ư đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao.
Quyết tâm 1 thì hành động phải 10 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19, các quận, huyện, thị xã đã tập trung cao, quyết liệt theo chỉ đạo của T.Ư, TP. Phát triển của lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua là kết quả đáng khích lệ. 
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị 
Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, nông nghiệp trong giai đoạn tới vẫn là mặt trận hàng đầu. Dó đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kép, là vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất nông nghiệp. Để bảo đảm mục tiêu phát triển ngành, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu đề nghị Sở NN&PTNT đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, nhất là đàn lợn, phấn đấu đạt ít nhất 1,8 triệu con, và tăng đàn gia cầm lên 38 triệu con trong năm 2020.
Đối với Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị các sở ngành, địa phương thực hiện cải cách, tinh giản thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn. Cùng với đó, các địa phương lựa chọn, có giải pháp hỗ trợ xây dựng, nâng chất các sản phẩm 3 - 4 sao; phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 có thêm 700 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện còn chậm. Phát triển kinh tế nông thôn chưa tương xứng tiềm năng lợi thế. Vệ sinh môi trường vẫn còn là nỗi lo. Nâng cao đời sống nông dân còn hạn chế, một số huyện còn tỷ lệ hộ nghèo cao…
Nhấn mạnh từ nay đến cuối năm chỉ còn 8 tháng, do dó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, vận động người dân chung tay xây dựng NTM, coi đây là hành động thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp. “Các địa phương phải tăng tốc, tích cực hơn nữa. Nhưng quyết tâm 1 thì hành động phải 10 thì mới mong đạt kết quả cao” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nói. 
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Để đạt được mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở NN&PTNT khẩn trương có kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ 700 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống cho người dân. “Đã kích cầu thì cần kích đúng lúc, không đúng lúc thì ko có tác dụng” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nói, đồng thời chỉ đạo, việc triển khai phải hiệu quả, thiết thực nhưng không có tiêu cực.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từng huyện phải hiểu được mỗi tấc đất của địa phương phù hợp với loại cây trồng gì, nuôi con gì để có giải pháp căn cơ, thúc đẩy phát triển bền vững.
Trước hiện trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang không canh tác, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị cần có giải pháp sử dụng nhằm tránh lãng phí. Trong đó, tập trung đánh giá lại các diện tích đất không canh tác lúa để có giải pháp chuyển đổi sang loại hình kinh tế khác phù hợp, hiệu quả.
Các địa phương cần chú trọng, làm tốt công tác giám sát phòng chống dịch bệnh, dịch hại trên cây trồng trên vụ Xuân. Chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, bởi cao điểm thiên tai diễn ra vào thời gian các địa phương tổ chức đại hội…
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng đề nghị các địa phương thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Trung ương, TP cho người nông dân. Đặc biệt, không được để xảy ra tiêu cực.
Đối với Chương trình OCOP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ lưu ý, hiện nay cần phát triển cả các sản phẩm OCOP ở các quận, thay vì chỉ có 18 huyện, thị xã. Theo đó, các địa phương rà soát, tập trung lựa chọn sản phẩm để hỗ trợ; trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm 3 - 4 sao trước. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.