Ngày 8/6, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội tổ chức tọa đàm xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội và Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng đoàn khảo sát số 8 của Bộ Quốc phòng chủ trì buổi Toạ đàm.
Tại buổi tọa đàm, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã trình bày báo cáo đề dẫn dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, gồm 7 chương, 84 điều. 11 ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều cơ bản đồng tình với bố cục, nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời tập trung trao đổi các vấn đề như: Để tránh tình trạng chồng chéo, nội dung trong Luật Phòng thủ dân sự không được trùng với các luật khác; Luật Phòng thủ dân sự phải lấy tiêu chí toàn dân và phải có khung quy định trách nhiệm của người dân; phải đề cập toàn diện đến vấn đề phòng thủ dân sự; có quy định cụ thể cơ chế quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương để sau này dễ thực hiện…
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền mong muốn ban soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự của Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để khi ban hành luật sẽ có tính khả thi cao. Đặc biệt, cần phân cấp trong tổ chức các hoạt động phòng thủ dân sự; đánh giá, phân loại cấp độ các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; các biện pháp bảo vệ cơ quan, tổ chức, người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; khắc phục và hỗ trợ đối tượng rủi ro.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp địa phương trong xử lý sự cố; bổ sung nguồn lực, kinh phí cho hoạt động phòng thủ dân sự…
Kết thúc tọa đàm, Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến phát biểu và báo cáo với ban soạn thảo luật của Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn chỉnh trong các bước tiếp theo để khi luật được ban hành sẽ dễ thực hiện và đi vào cuộc sống.