Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cơ chế đột phá thúc đẩy phát triển văn học

Thiên Tú - Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Trong đó nhiều cơ chế đột phá được đề xuất góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển văn học trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Còn nhiều hạn chế

Văn học là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa. Theo Bộ VHTT&DL, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa cũng như văn học, nghệ thuật nước ta đã được giải quyết. Văn học, nghệ thuật đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Văn học, nghệ thuật nước ta đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ảnh minh họa
Văn học, nghệ thuật nước ta đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vấn đề thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động văn học vẫn chưa kịp thời để thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động văn học phát triển theo kịp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Cụ thể, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Trong đó không quy định việc giao nhiệm vụ cho cá nhân mà chỉ giao nhiệm vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên sáng tác văn học có tính đặc thù riêng, việc sáng tác văn học chủ yếu là do một tác giả hay nhóm tác giả sáng tạo ra tác phẩm văn học, lý luận, phê bình văn học.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các trại sáng tác văn học, trại sáng tác lý luận, phê bình văn học sử dụng ngân sách Nhà nước còn một số bất cập như: chưa có quy định cụ thể về tiêu chí chọn đối tượng tham gia, quy chế, hội đồng chuyên môn trại sáng tác dẫn đến chất lượng các tác phẩm có từ các trại sáng tác chưa cao.

Đáng nói hiện nay, trong lĩnh vực nghệ thuật định kỳ đều tổ chức cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, diễn viên tham gia có thành tích xuất sắc đều được tặng giải Vàng, giải A, giải Nhất do các cơ quan quản lý Nhà nước trao tặng. Còn đối với lĩnh vực sáng tác văn học thì chưa có các cuộc thi, giải thưởng của cơ quan quản lý Nhà nước trao tặng, gây thiệt thòi cho các nhà văn khi tham gia xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Ngoài ra, việc giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, tổ chức giới thiệu, quảng bá với các tác giả sáng tác dẫn đến đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều cá nhân, tổ chức tự lựa chọn tác phẩm văn học để quảng bá ra nước ngoài, dẫn đến chưa phản ánh toàn diện văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Một vấn đề nữa là dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam đang bị mất cân bằng, có hiện tượng “nhập siêu văn học”. Hầu như các đầu sách bán chạy trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam ngược lại sách văn học Việt Nam xuất hiện còn khá kiêm tốn trên thị trường sách thế giới, chưa tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam.

Theo Hội Nhà văn Việt Nam, chất lượng dịch các tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của độc giả, Nhà nước cần có cơ chế để thúc đẩy nhiều các tác phẩm văn học dịch có chất lượng tại Việt Nam. Mặt khác, mặc dù chúng ta có những tác phẩm của dịch giả Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài nhưng đó mới chỉ là hiện tượng riêng lẻ, giới thiệu bằng các mối quan hệ cá nhân.

Ngoài ra, việc phổ biến văn học trên môi trường không gian mạng là một xu thế tất yếu của sự phát triển.  Tại Việt Nam đã có nhiều nhà văn chủ yếu sử dụng không gian mạng để công bố trích đoạn, thu hút sự quan tâm của công chúng và từ đó, quảng bá cho ấn phẩm khi được xuất bản, tạo cơ hội để nhà văn đến gần với độc giả nhanh hơn, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế văn học trên không gian mạng vẫn có nhiều tác phẩm kém chất lượng về tư tưởng nghệ thuật, đạo đức, trái thuần phong mỹ tục văn hóa con người Việt Nam.

Cần cơ chế đột phá

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Tập văn nghệ Đan Phượng được ra mắt hàng năm nhằm khuyến khích các tác giả sáng tác.
Tập văn nghệ Đan Phượng được ra mắt hàng năm nhằm khuyến khích các tác giả sáng tác.

Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã nêu 7 nhiệm vụ, trong đó có nội dung liên quan thể chế hóa đến văn học gồm: xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình văn học…

Từ thực tế đó, theo Bộ VHTT&DL việc ban hành Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và phù hợp với thực tiễn.

Theo dự thảo đang được Bộ VHT&DL lấy ý kiến góp ý, về sáng tác tác phẩm văn học, dự thảo Nghị định tập trung quy định cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiêu chí, quy trình lựa chọn tác giả để Nhà nước hỗ trợ, đầu tư sáng tác, nghiệm thu, các tác phẩm văn học sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sáng tác văn học. Đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tác văn học tại Việt Nam.

Về vấn đề này, nhà văn Lê Tấn Hiển (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ, thu hút nguồn lực xã hội hoá cho sáng tác văn học thực tế là việc chúng ta đã làm, song còn rời rạc, lẻ tẻ, nhiều khi mang tính cá nhân và tự do. “Nếu có được nguồn lực xã hội hóa tài trợ cho việc xuất bản tác phẩm, thì giới cầm bút và các nhà văn không còn gì vui hơn nữa. Và việc thu hút nguồn lực xã hội hoá này được đưa lên thành chính sách trong nghị định của Chính phủ sẽ là điều tuyệt vời. Đương nhiên, nguồn lực xã hội hoá chỉ tài trợ cho những tác phẩm xứng đáng và công tác thẩm định nhất thiết phải được đặt ra” – nhà văn Lê Tấn Hiển bày tỏ.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hoạt động trại sáng tác văn học. Bộ VHTT&DL là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm, tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học theo định kỳ từ 3 - 5 năm/lần đối với từng thể loại văn học nhằm tạo cơ chế khuyến khích, tạo động lực đối với các tác giả trong sáng tạo tác phẩm văn học đỉnh cao.

Dự thảo Nghị định cũng quy định về giải thưởng văn học quốc gia trong đó khẳng định rõ vai trò của Bộ VHTT&DL trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia. Dự thảo Nghị định còn quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giải thưởng văn học uy tín quốc tế; xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam…

Theo nhà văn Lê Tấn Hiển, không phải đến hôm nay, mà nhiều năm trước đây, từng thời kỳ phát triển của đất nước, Đảng và Nhà bước đều quan tâm đến văn học nước nhà, mong muốn và kỳ vọng có những tác phẩm xứng tầm phản ánh những giai đoạn quan trọng của xã hội. Đã có nhiều chính sách được đưa ra, khuyến khích các nhà văn sáng tác. Tuy nhiên, thực tế văn học chưa đáp ứng được kỳ vọng ấy.

“Một chính sách khuyến khích phát triển văn học nước nhà trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết và chắc chắn sẽ được giới cầm bút nói chung, các nhà văn nói riêng hoan nghênh. Vấn đề là, cụ thể việc khuyến khích ra sao, cách thức động viên và thúc đẩy việc sáng tác thế nào? Khắc phục, chỉnh lý, sửa đổi những chính sách trước đây chưa mang lại hiệu quả... là việc cần xem xét hết sức nghiêm túc” – nhà văn Lê Tấn Hiển chia sẻ.