Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo luồng gió mới cho Nhà văn hóa thôn Đoài

Bài, ảnh: Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 tháng thí điểm các hoạt động như: Câu lạc bộ di sản và ký ức, câu lạc bộ trình diễn nghệ thuật, câu lạc bộ làm hoa giấy… các chuyên gia đã tạo ra một “luồng gió mới” cho Nhà văn hóa thôn Đoài (Đông Anh, Hà Nội) – nơi trước đây được xem là duy trì cầm chừng các hoạt động văn hóa.

Ngày 8/12, Sở VH&TT Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã tổ chức báo cáo tổng kết Đề án thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới tại nhà văn hóa thôn Đoài, xã Nam Đồng (Đông Anh). Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa: Trước khi thực hiện Đề án, hoạt động Nhà văn hóa thôn Đoài chủ yếu thực hiện theo kế hoạch, thời điểm, kỳ cuộc, ít có những hoạt động tự chủ. Đến nay, các hoạt động diễn ra tại nhà văn hóa có nội dung đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn.
 Các thành viên trong Câu lạc bộ trình diễn nghệ thuật thôn Đoài biểu diễn văn nghệ trong lễ tổng kết sáng 8/12
Với 3 câu lạc bộ nòng cốt, 4 hoạt động tư vấn sức khỏe, gia đình dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia như: GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Hà Thị Hoa, nghệ nhân làm hoa lụa Nguyễn Thị Tuyết… hàng ngày, đặc biệt những dịp cuối tuần đông đảo Nhân dân thôn Đoài đã hứng khởi tụ họp tại Nhà văn hóa. “Nhiều hoạt động ở nhà văn hóa thôn dựa trên sự tự nguyện, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng. Nhận thấy điều đó, đề án đã bổ khuyết bằng việc mời nghệ nhân, chuyên gia có kinh nghiệm, hướng dẫn Nhân dân” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.
Tiêu chí lớn nhất của Đề án là thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Điển hình là những người yêu nghệ thuật ở thôn Đoài đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật trình diễn và đến nhà văn hóa sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn hát chèo, quan họ, ngâm thơ… đều đặn 3 buổi/tuần. Hội Cựu Chiến binh đã tổ chức một số buổi nói chuyện chuyên đề về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước tại nhà văn hóa với thế hệ trẻ. Đông đảo chị em phụ nữ đến nhà văn hóa học cách làm hoa giấy, trao đổi kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái… Nhờ đó, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống từng bị cộng đồng lãng quên đang dần hồi sinh, phát triển ở thôn Đoài.

Theo đề xuất của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa – đơn vị tư vấn thực hiện Đề án: Để duy trì được hoạt động của các nhà văn hóa theo mục tiêu của Chương trình 04-Ctr/TU về Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh 2016 – 2020 bên cạnh việc xây dựng các nhóm nòng cốt cho từng hoạt động thì cần tạo ra nhiều chủ đề, nhiều trải nghiệm đa dạng. Đặc biệt, ngoài nguồn kinh phí xã hội hóa TP cần đầu tư một nguồn kinh phí cố định hỗ trợ bà con duy trì các hoạt động trên. Từ kinh nghiệm triển khai Đề án này, Sở VH&TT Hà Nội và các đơn vị chức năng sẽ nghiên cứu xây dựng quy chế, cơ chế hoạt động của hệ thống nhà văn hóa cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội.