Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến:

Tập trung cải thiện chất lượng nhà ở cho người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Thu nhập của người lao động tăng nhưng họ đang rất khó khăn. Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, cần cải thiện chỗ ở; giải quyết việc làm theo hướng tăng tiếp cận thông tin thị trường, đào tạo nghề, năng suất… để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống công nhân.

Thu nhập thực tế của người lao động tăng thấp

Thưa TS, thu nhập của người lao động năm 2022 tăng 14,5% so với năm 2019 – trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, được mọi người đánh giá là tín hiệu vui vì đời sống công nhân lao động được nâng lên. Ông có đồng tình với quan điểm này?

- Thông tin từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương năm 2022 là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 15,1% so với năm 2021 và tăng 12,7% so với năm 2019 (tương ứng tăng từ 850.000 – 1.000.000 đồng). Đây là thành quả của công cuộc phòng chống Covid-19, thích ứng linh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội; đồng nghĩa với số người được giải quyết việc làm tăng, chất lượng lao động được nâng lên, trong đó có tăng tiền lương.

TS. Vũ Minh Tiến tham gia  Giao lưu - tọa đàm "Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều" do báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam hợp tác tổ chức năm 2022.
TS. Vũ Minh Tiến tham gia  Giao lưu - tọa đàm "Mức lương đủ sống - Góc nhìn đa chiều" do báo Kinh tế & Đô thị và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam hợp tác tổ chức năm 2022.

Tôi thấy số liệu của Tổng cục Thống kê về thu nhập của người lao động tăng tương đồng với kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 10/2022. Mức tăng 15,1% so với năm 2021 và tăng 12,7% so với năm 2019 thì khá cao; tuy nhiên khi bù trừ đi phần trượt giá 8 – 9% của 2 năm (2020 và 2021) thì thu nhập thực tế của người lao động tăng thấp. Cho nên, người lao động đang còn rất nhiều khó khăn; đặc biệt là 2 năm qua, nhiều mặt hàng thiết yếu với người lao động như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ giáo dục, y tế, thuốc men… tăng cao hơn nhiều.

Như ông đã biết, từ tháng 9/2022 đến hết năm này, ở một số tỉnh, TP có 540.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi DN thiếu đơn hàng và chúng ta đã có những hỗ trợ cho họ. Theo ông, thời điểm này, chúng ta cần thực hiện giải pháp gì để giúp những người lao động mất việc sớm có việc làm?

- Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ quý III/2022 ở một số tỉnh, TP có khoảng 540.000 người lao động bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng, bao gồm cả những người bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, nghỉ việc luân phiên. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và tăng kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương, giữa các DN và giữa các ngành nghề với nhau, đã điều chỉnh khá hiệu quả được làn sóng mất việc vừa rồi.

TP Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Ảnh: Trần Oanh.
TP Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Ảnh: Trần Oanh.

Tôi đã gặp và hỏi nhiều người lao động cho biết có ý định thay đổi sinh kế nghề nghiệp. Cho nên, kể cả thị trường lao động phi chính thức với các ngành nghề khác đã thu hút được người lao động. Mặt khác, nhiều người lao động không đợi kênh thông tin chính thức mà qua bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay qua các mạng xã hội có thể kết nối tìm được việc làm nhanh. Cộng với hiện nay các DN ở nông thôn thu hút được lao động nên nhiều người từ thành phố đã chuyển về quê; tuy rằng thu nhập không cao bằng thành thị nhưng chi phí cuộc sống lại thấp. Như vậy, khi người lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm bởi thiếu đơn hàng thì chúng ta đã có sự điều chỉnh, san sẻ và thị trường lao động cũng đã tự điều chỉnh.

Điều này cho thấy hoạt động kết nối cung cầu, thông tin thị trường lao động một cách chính thức và phi chính thức là khá tốt. Giải pháp thông tin thị trường lao động, vấn đề số hóa, thống kê rất kịp thời nên việc chuyển dịch lao động khá tốt.

Xây nhà cho người lao động thuê với giá ưu đãi

Thưa ông, ngày 10/1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; trong đó đặt ra tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Theo ông, chúng ta có giải pháp tức thời nào để đạt được mục tiêu này?

- Tôi hơi bất ngờ khi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ của chúng ta hơi thấp, dù Nhà nước luôn quan tâm và đầu tư rất lớn. Tôi nghĩ nên đặt ra vấn đề một số ngành, công việc giản đơn (lắp ráp linh kiện điện tử, may dây chuyền, chế biến thủy sản…) thâm dụng nhiều lao động thì trước mắt tập trung vào đào tạo tại DN hơn là trong các cơ sở dạy nghề Nhà nước. Tất nhiên, những vị trí như kỹ sư, thợ cả, công nhân kỹ thuật,… thì phải được đào tạo ở trường lớp đàng hoàng.

Để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chúng ta cần tuyên truyền để người lao động nâng cao nhận thức tự thân thấy sự cần thiết phải quan tâm đến vấn đề này. Cũng như thực hiện chính sách đào tạo nghề khi người lao động mất việc thì người lao động phải có ý thức  được tầm quan trọng để chuyển đổi công việc. Chứ còn, chúng ta cứ vận động, ép công nhân học nghề trong khi tâm lý lại không muốn học nghề thì hiệu quả rất thấp.

Một vấn đề nữa mà chúng ta cần quan tâm đó là hiện nay cách thức đào tạo, chất lượng đào tạo của nhiều trung tâm, cơ sở dạy nghề rất kém. Thậm chí, họ đào tạo những nghề không đáp ứng nhu cầu thị trường. Rồi có tình trạng vi phạm thời gian đào tạo nghề, cắt giảm thời gian thực hành… làm ảnh hưởng đến chất lượng chung.

Lãnh đạo Công đoàn TP Hà Nội đi thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đầu Xuân Quý Mão và mừng tuổi cho người lao động. Ảnh: Đinh Luyện. 
Lãnh đạo Công đoàn TP Hà Nội đi thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đầu Xuân Quý Mão và mừng tuổi cho người lao động. Ảnh: Đinh Luyện. 

Tôi đồng tình với việc Nghị quyết 06 của Chính phủ đề ra việc thí điểm mô hình đào tạo tại DN, trong khu công nghiệp. Nhưng chúng ta cần pháp lý hóa, DN phối kết hợp với đơn vị có thẩm quyền cấp chứng chỉ để sau này tính được bao nhiêu người lao động đã qua đào tạo.

Một vấn đề hiện nay mà công nhân lao động rất quan tâm đó là nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo trong năm 2023 giải quyết nhà ở cho người lao động “an cư lạc nghiệp”. Về vấn đề này, trước mắt cần thực hiện giải pháp nào?

- Theo tôi, cùng với việc phát triển nhà ở xã hội thì chúng ta quan tâm đến dịch vụ cho người lao động thuê nhà. Tức là xây dựng các khu ký túc xá, căn hộ đủ tiêu chuẩn cho người lao động thuê với giá cả phù hợp và gần với nơi họ làm việc.

TS Vũ Minh Tiến đề xuất trước mắt, ngay và luôn là cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho người lao động. Ảnh: Đinh Luyện.
TS Vũ Minh Tiến đề xuất trước mắt, ngay và luôn là cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho người lao động. Ảnh: Đinh Luyện.

Thứ nữa, trong lúc đợi xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở thì trước mắt ngay và luôn là cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho người lao động, chiếm tỷ lệ cao nhất, hiện đang đi thuê trọ trong các khu dân cư. Bằng việc Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm y tế, văn hóa…), bảo đảm an ninh ở những nơi công nhân thuê trọ. Và hỗ trợ vay tài chính cho những hộ dân gần các khu công nghiệp xây dựng, cung cấp dịch vụ nhà thuê cho người lao động thuê; giảm giá điện, nước, vệ sinh môi trường, thuế, để chất lượng cuộc sống của người lao động được cải thiện.

Xin cảm ơn TS!