Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi:

Tất cả người khuyết tật khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chúng ta không nên bỏ lại ai là người khuyết tật (NKT) ở lại phía sau. Tất cả NKT đều được tạo cơ hội phát triển, NKT nào khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời… là thông điệp của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ với báo chí nhân ngày Quốc tế NKT.

Người khuyết tật được tiếp cận thị trường việc làm

Thưa Thứ trưởng, với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, ông muốn gửi gắm thông điệp gì trong ngày Quốc tế NKT năm nay (3/12)?

- Chúng tôi mong muốn NKT ở Việt Nam nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ, chia sẻ từ người dân, cộng đồng và cơ quan quản lý, các cấp và đặc biệt là cấp độ địa phương. Và cố gắng rà soát lại xem những NKT ai chưa được hưởng chế độ chính sách về an sinh xã hội, dạy nghề, việc làm thì chúng ta có biện pháp để hỗ trợ NKT ngay. Điều quan trọng nhất là chúng ta không nên bỏ lại ai là NKT ở phía sau. Và tất cả NKT đều được tạo các cơ hội để phát triển. Tất cả NKT, ai có khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&Xh Nguyễn Văn Hồi (thứ 2 từ trái sang) đang thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Ảnh: Trần Oanh. 
Thứ trưởng Bộ LĐTB&Xh Nguyễn Văn Hồi (thứ 2 từ trái sang) đang thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Ảnh: Trần Oanh. 

Với NKT thì chúng tôi mong muốn họ tự tìm được được giải pháp để giải quyết vấn đề của mình một cách tốt nhất. Đặc biệt là NKT tăng cường tiếp cận giáo dục, học nghề, việc làm để có công việc tốt, thu nhập tốt, có được địa vị vững chắc trong xã hội.

Quyền có việc làm cho NKT là vấn đề luôn được nhiều người quan tâm. Trong thời gian gần đây, các cơ quan Nhà nước đã có những nỗ lực như thế nào để cải thiện việc làm cho NKT, thưa ông?

- Hiện nay cả nước có khoảng 7 triệu NKT, trong đó lực lượng lao động NKT chiếm khoảng 54%. Về cơ bản, toàn bộ NKT trong độ tuổi lao động được tiếp cận thị trường việc làm. Nhưng, thu nhập từ việc làm của NKT không cao như một số người khỏe mạnh, những người được giáo dục ở bậc cao.

Những người khuyết tật đang đăng ký học và làm nghề may cờ. Ảnh: Trần Oanh.
Những người khuyết tật đang đăng ký học và làm nghề may cờ. Ảnh: Trần Oanh.

Tuy nhiên có 1,2 – 1,3 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng khó tiếp cận thị trường lao động. Về việc này, chúng ta có một loạt các công cụ để hỗ trợ cho NKT, ví dụ như vừa rồi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước được đầu tư rất lớn sẽ tạo nhiều việc làm mới để thu hút người lao động, góp phần quan trọng phòng ngừa và giảm thất nghiệp. Qua đây, nhiều NKT được hỗ trợ để giải quyết việc làm và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chương trình dạy nghề lao động nông thôn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã hỗ trợ cho NKT lao động nông thôn và NKT đặc biệt nặng được học nghề để tiếp cận tốt hơn thị trường lao động. Hằng năm, chúng ta đang hỗ trợ 20.000 NKT nặng có hoàn cảnh khó khăn để tiếp cận học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ người khuyết tật

Mặc dù chúng ta đã có những điều chỉnh trong việc xây dựng các công trình công cộng, phương tiện giao thông công cộng nhưng NKT vẫn còn gặp những khó khăn trong tiếp cận. Thứ trưởng có ý kiến gì về việc này?

- Vấn đề này do nhận thức của cộng đồng. Nhiều gia đình xây nhà nhưng không quan tâm đến lối đi cho NKT; nhiều nơi các đường giao thông chưa đảm bảo tiếp cận cho NKT. Theo Luật NKT, Công ước quốc tế về Quyền của NKT, chúng ta phải bảo đảm cho NKT tiếp cận những công trình công cộng và tại nhà riêng, các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục. Bên cạnh việc do nhận thức của cộng đồng còn có vấn đề tiếng nói của NKT; nhiều nơi Hội NKT, NKT chưa lên tiếng mạnh mẽ về việc này; một số cơ quan ban ngành chưa để ý đến điều này.

Tại Ngày hội việc làm dành cho thanh niên khuyết tật Hà Nội năm 2022, những người khuyết tật có cơ hội tìm việc làm và được hướng dẫn làm các sản phẩm từ vỏ bao mì tôm. Ảnh: Trần Oanh.
Tại Ngày hội việc làm dành cho thanh niên khuyết tật Hà Nội năm 2022, những người khuyết tật có cơ hội tìm việc làm và được hướng dẫn làm các sản phẩm từ vỏ bao mì tôm. Ảnh: Trần Oanh.

Sắp tới Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam sẽ có văn bản để gửi đến các ngành, địa phương đề nghị tăng cường rà soát các công trình và có ngay các giải pháp để bảo đảm tiếp cận đối với NKT.

Trong cuối năm 2022 và đầu 2023, Bộ LĐTB&XH sẽ có những phương án, chính sách gì mới hơn để tối ưu quyền lợi của NKT?

Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT...

Những người tự kỷ đang dán bao bì và đóng gói sản phẩm trà trái cây.
Những người tự kỷ đang dán bao bì và đóng gói sản phẩm trà trái cây.

Thứ hai, chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo, đề nghị các địa phương và cơ sở triển khai thực hiện tốt Luật NKT và các chế độ chính sách có liên quan đối với NKT. Đặc biệt là triển khai tốt Nghị định số 20/2021/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; rà soát lại những ai là NKT nặng và đặc biệt nặng chưa được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chưa được hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, việc làm thì chúng ta cần có ngay các biện pháp để thực hiện. Tuyệt đối là không để ai là NKT nặng và đặc biệt nặng mà không được hưởng đúng chế độ chính sách.

Sản phẩm hoa quả sấy do người khuyết tật đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ  sản xuất. 
Sản phẩm hoa quả sấy do người khuyết tật đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Gia đình người tự kỷ  sản xuất. 

Thứ ba, chúng tôi cần hoàn thiện một số văn bản lớn có liên quan tới NKT để trình Chính phủ trong thời gian tới chẳng hạn như Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…

Chúng tôi cũng trình Chính phủ nghị định về công tác xã hội để tăng cường chuyên nghiệp hóa công tác xã hội, trợ giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có NKT; tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm và hỗ trợ cho NKT một cách bài bản và khoa học.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!