Đây không phải lần đầu một bộ phận người Việt Nam hôi của, chen lấn, xô đẩy mà tình trạng này đã lặp đi, lặp lại nhiều lần như một tật xấu khó sửa.
Từ tối 21/5, trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền những hình ảnh ghi nhận cảnh tượng “như bãi chiến trường” tại một số siêu thị thuộc hệ thống Auchan trong ngày giảm giá mạnh để xả hàng trước khi đóng cửa. Câu chuyện này bắt nguồn từ việc Auchan có kế hoạch sẽ đóng cửa 15 siêu thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh từ ngày 2/6. Hệ thống bán lẻ đến từ Pháp cũng đã đưa ra thông báo kết thúc thời gian các chương trình khuyến mãi sớm hơn dự kiến tại 15 siêu thị sắp đóng cửa. Với mức giảm giá cao nhất 50%, hầu hết hầu hết các siêu thị của hệ thống Auchan trong tình trạng tắc nghẽn vì lượng khách đổ về mua hàng giảm giá dồn dập, nhiều nơi chỉ trong vài giờ, các mặt hàng gia dụng, thực phẩm... đã hết sạch.
Ngoài ra, theo tâm sự của nhân viên bán hàng trong siêu thị, họ phát khóc trước cảnh, những hộp bánh kẹo, sữa, đồ đạc đã bị một số người đi siêu thị tự ý mở và cho con ăn uống tại chỗ. Những quả táo tươi bị cắn dở rồi bỏ lại tại quầy. Thậm chí nhiều người khác còn ăn ngay trong siêu thị rồi tìm cách nhét, giấu những món đồ đó ở một góc khác. Nhân viên siêu thị phải làm tăng ca đến 12 giờ đêm nhưng vẫn không dọn sạch được các hình ảnh phản cảm khách hàng bày ra ở siêu thị.
Hành động xấu xí của một bộ phận khách hàng ở các siêu thị Auchan cũng là tình trạng từng thấy trong các sự việc hôi hoa ở Lễ hội hoa Hà Nội, hay sự kiện mở cửa miễn phí vào Công viên nước Hồ Tây. Thậm chí, hồi tháng 10/2016, dư luận từng xôn xao bất bình khi ngay tại trụ sở của Bộ KH&CN xảy ra tình trạng cán bộ, nhân viên chen nhau tranh cướp các món đồ như túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ... nhái các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Trước đó, người Việt cũng từng chỉ trích nhau về “văn hóa hôi của” khi hàng ngàn thùng bia bị đổ xô giành giật sau khi chiếc xe tải chở bia gặp nạn. PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Viện Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng hiện tượng ham rẻ, ham lấy của không mất tiền là tật xấu khó sửa của người Việt. Nguyên nhân xuất phát từ lòng tham, sự vị kỷ không cần ứng xử văn minh của một bộ phận người dân.
Sau mỗi sự việc, báo chí, các phương tiện truyền thông ra sức lên án. Chuyên gia văn hóa phân tích tìm nguyên nhân. Nhiều tài khoản Facebook còn cho rằng, những người chị, người mẹ khi dẫn trẻ em đến siêu thị với thái độ và ý thức kém như vậy sao có thể dạy dỗ con em trưởng thành, làm một công dân tốt. Hàng ngày chúng ta đọc những bài báo trên mạng về ý thức của người dân nước này nước nọ hay chúng ta phán xét về một bộ phận người có những hành vi công cộng không đúng nhưng rồi những hành động xấu xí cứ lặp đi, lặp lại.
Đã đến lúc, mỗi người đã phải tự đặt câu hỏi, có phải chúng ta chỉ là những “anh hùng bàn phím”, thích nói, thích phán xét nhưng không thích hành động và không chịu thay đổi?
Cách tiếp cận với hàng hóa có giá trị theo hướng vơ vét là bản chất khó có thể thay đổi trong tính cách của nhiều người, nên các nhà phân phối, đơn vị tổ chức cần phải hình dung trước để giảm tránh những hiện tượng xấu xí như trên. Ngoài ra, sống có ý thức và thay đổi thói quen thật ra không hề dễ dàng ngày một, ngày hai. Đó là cả một quá trình giác ngộ, nhận thức, cố gắng. Điều quan trọng là tự thân mỗi người có ý thức thay đổi, nỗ lực cải biến, loại trừ cái xấu khỏi tâm thức và hành động.