“Tàu rải ống” có tên Academic Cherskiy, vốn được Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thông báo sẽ thực hiện nốt phần tuyến đường ống cuối cùng của dự án Dòng Chảy phương Bắc 2, đang trên đường đến đảo Bornholm, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch (EEZ), theo báo cáo của Bộ Năng lượng Nga công bố ngày 1/5.
Tàu đặt đường ống Academic Cherskiy của Nga sẽ thị công nốt tuyến đường ống khí đốt cuối cùng của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. |
Trước đó, hôm 30/10/2019, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đã cấp phép cho chủ đầu tư dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga được lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí chạy dọc theo tuyến đường phía đông nam đảo Bornholm.
Chiếc tàu Academic Cherskiy đã rời cảng Nakhodka của Nga từ đầu tháng 2, qua châu Phi, Las Palmas (Quần đảo Canary), cập cảng Ai Cập, và dự kiến sẽ quay về vùng lãnh thổ Kaliningrad (Nga) vào ngày 3/5.
Vào năm 2016, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã mua tàu đặt đường ống Academic Cherskiy, để sử dụng như một phương sách cuối cùng trong trường hợp các công ty châu Âu ngừng thi công dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trước khi Mỹ tuyên bố trừng phạt các công ty tham gia thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, các quan chức Nga đã nói rằng con tàu Academic Cherskiy sẽ hoạt động trước hoặc khoảng giữa năm 2020.
Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy Phương Bắc 2 vào giữa tháng 12/2019. Vào cuối tháng 12/2019, tập đoàn Allseas của Thụy Sĩ - Hà Lan, được Gazprom thuê lắp đặt đặt ống Dòng chảy Phương Bắc 2 ở biển Baltic, đã dừng thi công và thu hồi các tàu rải ống để tránh bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đã được xây dựng khoảng 93%, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này.
Do tập đoàn Gazprom của Nga khởi xướng, hợp tác với các công ty châu Âu: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall, Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 110 tỷ m3 mỗi năm.
Nhưng đối với Washington và một số nước châu Âu, gồm Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Họ cho rằng Moscow có thể sử dụng khí đốt như một vũ khí để gây áp lực chính trị với châu Âu.
Tờ Handelsblatt của Đức hôm 4/2 đã báo cáo trích dẫn các nguồn tin ngoại giao của Mỹ nói rằng chính quyền Washington dự định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu Nga cố gắng hoàn thành dự án này.
Người đứng đầu tập đoàn Gazprom Alexei Miller khẳng định chính phủ Nga sẽ tự hoàn thiện nốt phần tuyến đường ống còn lại của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Theo dự báo của Bộ Năng lượng Nga, tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu sẽ được khánh thành vào cuối năm 2020./.