Tết trên biển
Trên cảng cá tấp nập ngày cận Tết, ngư dân Huỳnh Tấn Minh (trú xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) lỉnh kỉnh mang theo hoa, bánh tét, ít bia rượu... để mang xuống tàu, sẵn sàng cho chuyến hành trình mới.
Chuyến ra khơi lần này khác với những chuyến trong năm, bởi lẽ các ngư dân trên tàu cá QNg 95492 TS của ông Minh sẽ khai thác và ăn Tết ngay trên biển. Do đó, ông chuẩn bị thêm ít đồ để cùng với anh em quây quần ở thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới.
40 năm theo nghề biển, ông Minh đã có 25 năm cùng các bạn thuyền đón giao thừa ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng lần nào, chuyến ra khơi ngày cận Tết cũng để lại cho ông sự bồi hồi khó tả.
“Ai mà chẳng muốn ở nhà để đoàn tụ, sum vầy bên gia đình vào ngày Tết. Nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận. Đang mùa cá ngừ đại dương, ra khơi sẽ có thêm thu nhập. Chuyến đi dự kiến kéo dài gần một tháng. Khi về bờ, chúng tôi ăn Tết muộn cùng gia đình và người thân”, ngư dân Minh thổ lộ.
Những ngày này, tại các cảng cá ở Quảng Ngãi, không khí trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn ngày thường. Nhiều tàu cá hối hả quay về bờ để kịp bán mẻ cá cuối cùng của năm cũ và về đoàn tụ đón Tết với gia đình, nhưng cũng có nhiều tàu cá tất bật chuẩn bị cho chuyến biển đặc biệt dịp cuối năm.
Ngoài các nhu yếu phẩm thông thường là gạo, mì tôm, dầu ăn, thịt… như những chuyến biển trước, chuyến biển này ngư dân còn mang theo một vài món ăn, thức uống đặc trưng của ngày Tết, vừa để làm nghi thức đêm giao thừa, vừa để anh em vui đón năm mới ngay trên tàu.
Kinh nghiệm từ đời ông cha truyền lại, Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm dễ trúng nhiều luồng hải sản giá trị cao nên các ngư dân khai thác xa bờ vẫn vươn khơi và đặt rất nhiều kỳ vọng. Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản khan hiếm hơn nên thu nhập mỗi chuyến tàu xuyên Tết có khi gấp vài ba lần ngày thường.
Xa nhà trong những ngày lẽ ra đang sum họp cùng gia đình, các ngư dân có cách đón năm mới của riêng mình. Đến giờ giao thừa, họ sẽ nghỉ ngơi khoảng một tiếng rồi mở đài nghe lời chúc Tết từ Chủ tịch nước và gia đình, đón chào năm mới với những bữa cơm thịnh soạn.
Sau đó, các thuyền viên cùng nhau lại ôn lại chuyện đón Tết năm trước, công việc làm ăn thế nào, kể nhau nghe chuyện vợ con gia đình, rồi uống đôi chén rượu và hướng mắt lên bầu trời đêm, tưởng tượng pháo hoa đang rực sáng.
“Thời khắc đón giao thừa, trong đầu luôn hướng về đất liền. Nhớ vợ, nhớ con muốn rơi nước mắt. Không biết đã bao năm ăn Tết trên biển, vợ con ở nhà phải tự lo mọi thứ, thương lắm. Những lúc yếu mềm đó, tôi phải kìm nén lại và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để lo cho gia đình tốt hơn”, thuyền viên Mai Ý (trú xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ) tâm sự.
Biển là nhà
Theo chia sẻ của các ngư dân, bên cạnh lý do mưu sinh, họ vươn khơi bám biển dịp Tết còn vì một ý nghĩa thiêng liêng khác, với vai trò là những “cột mốc sống” trên biển.
“Trên biển những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới rất ít tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, ra biển mà thấy lá cờ Tổ quốc xúc động và tự hào lắm. Sự xuất hiện của chúng tôi sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấy là trách nhiệm thiêng liêng và đáng tự hào”, ngư dân Nguyễn Văn Tàu (trú xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ) - chủ tàu cá QNg 94603 TS, cho biết.
Bao đời qua, ngư dân Quảng Ngãi xem ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là nhà. Có biển là có cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng họ vẫn kiên trì bám biển.
Trong gánh nặng mưu sinh, những người ngư dân cảm thấy tự hào hơn khi cùng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên từng ngọn sóng. Cứ như thế, đến Tết, là họ lại kéo nhau từng đoàn ra Trường Sa, Hoàng Sa… ăn Tết.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười. toàn tỉnh hiện có 62 tàu với gần 380 ngư dân hành nghề xuyên Tết trên biển.
“Chi cục chỉ đạo trực trạm ở bờ 24/24 để theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho ngư dân trên mọi tình huống xấu xảy ra trong dịp Tết. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng ngăn ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, tuyệt đối không để các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Mười nói.