Theo Nikkei Asia, tháng 9 năm nay, Thái Lan sẽ công bố kế hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2037, dự kiến tích hợp các lò phản ứng mô-đun nhỏ (Small Modular Reactor - SMRs). Các quan chức cho biết chính phủ sẽ xem xét những địa điểm thích hợp để xây dựng các lò phản ứng có công suất 70 megawatt.
Không chỉ mới bây giờ, Thái Lan đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ những năm 2000, tuy nhiên, sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản vào năm 2011 đã khiến mọi nỗ lực tạm gác lại. Xu hướng phát triển của công nghệ SMRs đã một lần nữa khơi dậy sự quan tâm của Bangkok đối với năng lượng hạt nhân.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã thảo luận về khả năng xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tại Thủ đô Bangkok vào ngày 14/3. Ông cho biết Thái Lan sẽ xem xét tính an toàn của SMRs và tiếp nhận thêm ý kiến đóng góp của người dân.
Đất nước chùa Vàng đang đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân trong bối cảnh các mỏ khí đốt tự nhiên của quốc gia này ngày càng cạn kiệt, tuy nhiên nhu cầu sử dụng điện lại đang tăng lên. Trong bối cảnh đó, Bangkok đã cam kết mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thúc đẩy nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ổn định thay cho khí đốt và than đá.
Philippines cũng là một quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Nước này lên kế hoạch vận hành một trạm hạt nhân thương mại vào năm 2030, đồng thời tập trung phát triển SMRs. Công ty NuScale Power của Mỹ lên kế hoạch đầu tư 7,5 tỷ USD cho đến năm 2031 để xây dựng các lò phản ứng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Philippines đã từng nỗ lực xây dựng nhà máy hạt nhân Bataan ở Luzon dưới thời cựu Tổng thống Ferdinand Marcos Sr. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công nhà máy bị hủy bỏ do phong trào ủng hộ dân chủ năm 1986 tại quốc gia này.
Dhanin Chearavanont, Chủ tịch cấp cao của tập đoàn hàng đầu Thái Lan - Charoen Pokphand Group nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên cho biết đến nay chưa có nhà máy hạt nhân nào tại khu vực này đi vào vận hành thương mại.
Phó giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore Kei Koga, nhận định: “Đông Nam Á sẽ đối mặt với rủi ro chia rẽ nếu khu vực này bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc về xuất khẩu công nghệ hạt nhân”.
Ông cũng đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn và ngăn chặn việc sử dụng kép công nghệ hạt nhân.