Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nêu vấn đề: Là năm đầu tiên áp dụng một chương trình làm bộ sách theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta đã học tập, tham khảo rất nhiều nước và cắt mỗi bên một ít để cho vào chương trình giáo dục đổi mới. Vì vậy, sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị gọt đẽo theo một hệ thống chưa hoàn thiện.
Đại biểu Phạm Minh Hiền cho biết: “Muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu. Mà lỗi trong sách giáo khoa chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp”. Vì vậy, bà Phạm Thị Minh Hiền chỉ rõ, đây là “lỗi quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài khi xảy ra sự cố thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử”.
Giá trị sách giáo khoa khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, “đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt mà rất cần truyền dạy một cách thấu hiểu tận tâm với đứa trẻ vừa bước qua mầm non”.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho việc sử dụng những bộ sách giáo khoa có chất lượng thấp, còn thiếu thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt. Như Bác Hồ đã dạy: “Giáo dục trẻ em như một cây non và đối với việc trồng người thì dục tốt sẽ bất đạt”.
Cũng tại buổi thảo luận, trao đổi lại với đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) về vấn đề sai sót trong việc biên soạn một số bộ sách sách giáo khoa lớp 1, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) khẳng định mình là “con đẻ” của ngành giáo dục, được thừa hưởng sự giáo dục của nền giáo dục Việt Nam và bản thân đang công tác trong ngành giáo dục. Bà Đặng Thị Phương Thảo cũng nhấn mạnh, 2/3 nội dung trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội chiều qua tập trung đề xuất giải pháp để ngành giáo dục được tốt hơn. “Tức là tôi đã phát biểu với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề để phát biểu mang tính chất xây dựng”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói.
Về sách giáo khoa lớp 1 với các vấn đề liên quan, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho biết, thực tế cử tri biết, thấy bức xúc và đã phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khi đi tiếp xúc trước kỳ họp này. “Là đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ chúng ta cần phải làm tròn trách nhiệm với Nhân dân. Tôi đã phát biểu từ sự phản ánh trung thực kiến nghị của cử tri địa phương, không phải của riêng cá nhân tôi”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói. Về tranh luận của đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, sai sót trong một số bộ sách giáo khoa lớp 1 mà đại biểu nêu không phải sai sót đến mức phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hóa việc sai sót này, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, phải hết sức cẩn trọng nếu không sẽ gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, cử tri. Tuy nhiên, theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, thực chất kiến nghị của đại biểu là cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để bảo đảm công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu rõ, kiến nghị này xuất phát từ hai căn cứ. Thứ nhất, tình trạng sách lậu đã tồn tại trong nhiều năm qua chưa được dẹp bỏ và gần đây, ngày 16.9, lực lượng Công an và Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ tại một cơ sở được gần 60.000 ấn phẩm, trong đó có cả sách giáo khoa và sách tham khảo cùng 3,7 tấn bán thành phẩm đang bị in lậu. Thứ hai, xuất phát từ chính cử tri địa phương nơi đại biểu ứng cử băn khoăn về tình trạng này làm cho con em của họ có nguy cơ mất tiền mà mua phải sách giáo khoa giả.
Từ đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề xuất truy cứu trách nhiệm với hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo. “Tôi đã thể hiện được mong muốn đòi hỏi sự công bằng về quyền lợi cho chính các tác giả thực sự của sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa lớp 1 nói riêng”.
Về đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, bà Đặng Thị Phương Thảo cho biết, “cử tri tỉnh này có thể không phản ánh như vậy nhưng ở nơi khác bức xúc và đề xuất. Đó là vấn đề góc nhìn của mỗi cá nhân, cử tri và ĐB điều tra để xác minh sai phạm mà điều tra cũng có thể trả lại sự trong sạch cho cá nhân và tổ chức”.
Cùng mối quan tâm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, xây dựng xã hội học tập, đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) nhận thấy, thành tích nổi bật của ngành giáo dục là đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020. Đây là thành tích rất lớn, rất đáng tự hào. Ngành giáo dục đã sáng tạo, linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công, bảo đảm gọn nhẹ, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực tốn kém cho học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên. Đây không chỉ là thành tích riêng của ngành giáo dục - đào tạo mà còn có sự tham gia tích cực của ngành y tế, thông tin truyền thông và các ngành khác, trong đó vai trò nòng cốt của ngành giáo dục - đào tạo.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quách Thế Tản, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng chưa đồng đều. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, đã xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc phối hợp 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội còn thiếu chặt chẽ; cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức, lười lao động, thích hưởng thụ, bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi.
Việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là một số nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa lớp Một, cụ thể là bộ Cánh Diều bị dư luận phê phán. “Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cậu đã chỉ đạo giải pháp kịp thời song cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này”, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị.
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên và qua kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Quách Thế Tản đề xuất cần quan tâm đến chất lượng thẩm định sách giáo khoa, trước mắt các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung giảng viên bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1. Đồng thời, chỉ đạo, giám sát biên soạn, thẩm định, phê duyệt các bộ sách giáo khoa tiếp theo đối với các lớp tiếp theo. Ngành giáo dục các địa phương cần quy hoạch rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường lẻ, trường tiểu học, trung học cơ sở. Thực tế vừa qua đã có một số địa phương gộp các điểm trường, sáp nhập trường một cách cơ học, hiệu quả không cao, đại biểu Quách Thế Tản nói.
Chính vì thế, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị cần tăng cường nội dung, biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở bất cứ các bậc học và tùy theo lứa tuổi. Bởi, đây là một trong những nguyên tắc giáo dục rất cơ bản để dạy nhân cách cho người học. Thế nhưng, hiện nay nhiều trường còn xem nhẹ vấn đề này, điều đó có nghĩa là không hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện.
Dù một bộ hay nhiều bộ sách giáo khoa thì chất lượng đều phải tốt
Giải trình làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu về lĩnh vực giáo dục-đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, với mong muốn góp ý cho ngành giáo dục để có bộ sách giáo khoa (SGK) tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, vấn đề này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó quy định rất rõ ai chịu trách nhiệm về SGK. Từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập Hội đồng và quy trình thẩm định ra sao, đến việc phê duyệt sách như thế nào đều quy định bằng luật, chứ không phải bằng văn bản dưới luật. Và trực tiếp ở đây là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về SGK trong tất cả các khâu.
“Nói điều đấy để thấy rằng, Luật đã quy dịnh rất rõ ràng, việc này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cũng giống như các vấn đề xã hội khác, dù không thuộc trách nhiệm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm. Chính phủ trong các phiên họp gần đây đều đã thảo luận và đều có nói về vấn đề SGK. Thủ tướng nói rất nhiều lần, Phó Thủ tướng trực tiếp 2 lần họp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cùng các chuyên gia để tham gia thẩm định và có rất nhiều cuộc trao đổi riêng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Qua các cuộc làm việc đó, Phó Thủ tướngVũ Đức Đam thừa nhận, “bộ SGK đã được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của Nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn tùy theo cách dùng từ. Chỗ này cần phải được tiếp thu, giải thích một cách rất khoa học, để tiếp thu”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy sai sót và trách nhiệm thuộc Bộ, trong đó có trách nhiệm thuộc Bộ trưởng. Bộ trưởng cũng đang có bước chỉ đạo khá cương quyết, ví dụ đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định. “Việc này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng, Bộ nói chung phải hết sức lưu ý, vì những sai sót có thể tránh được thì chúng ta phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc”, Phó Thủ tướng chỉ rõ, “và trong các cuộc họp của Bộ, chúng tôi dùng từ là “nghiêm túc” và “nghiêm khắc” để quy trình biên soạn và thẩm định SGK những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy”.
Trả lời câu hỏi sắp tới đây chúng ta phải làm thế nào, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, “dù có một bộ SGK hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ không thể nào hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và đặc biệt là toàn thể nhân dân”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên - những người có kinh nghiệm dạy trẻ sẽ góp ý. Qua đó, tiếp tục, chắt lọc những ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận. "Tất cả chúng ta, tất cả đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.