“Tham gia vào HĐBA LHQ sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”, đó là nhận định của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu 5 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra hôm nay (7/6)(giờ Mỹ). Dịp này PV đã phỏng viên Đại sứ Nguyễn Phương Nga làm rõ hơn về nhận định này.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga - nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Baotintuc.vn. |
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng vai trò của các diễn đàn đa phương trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rất nhiều thư gửi Liên Hợp Quốc và đặc biệt là các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để kêu gọi và công nhận nền độc lập của Việt Nam, ngăn chặn chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Sau khi đất nước ta được thống nhất, chúng ta cũng đã rất tích cực và chủ động tham gia nhiều diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế quan trọng.
Cho đến nay, Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, cơ chế đa phương khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)…
Có thể nói, ở tất cả các diễn đàn mà Việt Nam tham gia đều phát huy vai trò là một thành viên rất tích cực, chủ động có trách nhiệm và đóng góp phần quan trọng vào việc gia tăng ảnh hưởng và vị thế của các tổ chức này. Đối với Liên Hợp Quốc, chúng ta đã tham gia từ năm 1977, và Việt Nam tham gia rất tích cực trong mọi lĩnh vực hoạt động của Liên Hợp Quốc, có đóng góp rất nhiều vào việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
PV: Theo Đại sứ, nếu trúng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong cuộc bỏ phiếu hôm nay, sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Các diễn đàn đa phương nói chung, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và các diễn đàn của Liên Hợp Quốc, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, có vai trò rất quan trọng. Tham gia vào những diễn đàn này mang lại cơ hội lớn cho chúng ta. Đây là những diễn đàn ở đó người ta bàn thảo, đề ra những quy định, định hình những cơ chế hợp tác mới. Đây là cơ hội để chúng ta thúc đẩy lợi ích của mình, thúc đẩy quan điểm, lập trường của Việt Nam, đồng thời cũng là nơi mà chúng ta có thể thúc đẩy những vấn đề thuộc về lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Chúng ta có thể tận dụng diễn đàn này, một diễn đàn hết sức rộng lớn và có một sự thu hút quan tâm đặc biệt của công luận, để mà tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, về chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tham gia vào những diễn đàn này, uy tín và vị thế của Việt Nam cũng được nâng lên một tầm cao mới. Không phải chỉ riêng chúng ta, mà tất cả các nước đều phấn đấu để gia nhập trong những tổ chức này.
PV: Là người có nhiều năm làm ngoại giao đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc, theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nếu trúng cử, Việt Nam sẽ có trách nhiệm như thế nào và phải làm những gì để có thể đảm nhiệm tốt trọng trách trong nhiệm kỳ của mình?
Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Tham gia Hội đồng Bảo an, tức là chúng ta lĩnh một trách nhiệm vô cùng to lớn là phải làm sao để cùng các nước trong cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các nước thành viên của Hội đồng Bảo an duy trì, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột và góp phần giải quyết các cuộc xung đột. Do quan điểm của các nước rất khác nhau, nhất là bây giờ trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất gay gắt, bất kể một nước thành viên nào trong Hội đồng Bảo an cũng đều phải đứng trước những quyết định về chính sách.
Cùng với các nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, chúng ta có một trách nhiệm là đại diện cho nhiều nước, các quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc, nên bên cạnh việc chúng ta nêu quan điểm của Việt Nam, thì chúng ta cũng phải tính đến quan điểm của các quốc gia, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế là mong muốn có hòa bình. Tôi nghĩ, trong lần này, chúng ta cũng sẽ tiếp tục bám sát tinh thần độc lập tự chủ của đường lối đối ngoại của Việt Nam và phương châm của ngoại giao Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Nguyễn Phương Nga về cuộc trao đổi này!