Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham nhũng hàng chục nghìn tỷ, thu về được 10%

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (21/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đánh giá cao những chuyển biến trong lĩnh vực này, tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế, kê khai tài sản không đúng thì chỉ bị kỷ luật, nhưng lại không đụng được vào khối tài sản không giải trình được.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. 
Dẫn số liệu tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, số thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số tiền thu về chỉ 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, chỉ tương đương khoảng 10%. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm với tài sản tham nhũng.

ĐB cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Cụ thể là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai (khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức) chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Và đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án.

“Một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên, nhưng dự thảo vẫn chỉ xử lý người kê khai không đúng. Cụ thể như ai được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, bổ nhiệm rồi thì tuỳ theo mức độ bị cách chức, giáng chức. Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý” - ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

ĐB cũng cho biết, đã tập hợp được hơn 40 quốc gia có quy định xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Họ có những điểm giống Việt Nam như sử dụng tiền mặt còn phổ biến, hệ thống kiểm soát thu nhập trong xã hội chưa tốt. Trung Quốc không có luật phòng chống tham nhũng riêng, nhưng trong Bộ Luật hình sự của họ có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản và không giải trình được thì phần tài sản đó bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra còn có thể phạt tù đến 5 năm.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, đặt ra quy định nêu trên với mục tiêu bằng mọi giá bắt đối tượng tham nhũng phải trả lại tất cả những gì mà họ đã chiếm đoạt của Nhà nước, của nhân dân.

“Họ thu hồi tài sản tham nhũng rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền, thu theo giá trị thực tế của tài sản. Singapore còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng với căn cứ, điều kiện, trình tự, thẩm quyền rõ ràng”, ĐB Thủy nói.