Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng cần được phát hiện và ngăn chặn từ gốc, lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng mỗi cá nhân, tổ chức. Đó là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh trong các phiên thảo luận về nội dung này vừa qua.

 Quang cảnh Kỳ họp thứ 37 - nhiệm kỳ XII của Ủy Ban kiểm tra T.Ư, tháng 7/2019.
Chú trọng hơn biện pháp phòng ngừa
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phải làm rõ đường đi của tham nhũng để xây dựng cơ chế phòng ngừa hữu hiệu hơn. Chính phủ phải tổng kết, đánh giá, rà soát và đưa ra danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Trong năm 2019, kết quả phòng, chống tham nhũng là một điểm sáng, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, một số biện pháp mang lại hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế.
Trong đó, tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 15 trường hợp bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc…), trong đó có trường hợp được bổ nhiệm gây bức xúc trong dư luận.
Thẳng thắn cho rằng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cũng chỉ ra, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Đề cập đến vấn nạn tham nhũng vặt, đại biểu cho rằng, đây là tham nhũng tạo nhiều bức xúc nhất. Trong báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2019 cho thấy đã kiến nghị xử lý 61.732 tỷ đồng. Báo cáo thanh tra năm 2019 phát hiện vi phạm kiến nghị thu hồi 81.835 tỷ đồng, 819ha đất. Xuất toán kiến nghị xử lý 71.601 tỷ đồng, 18.904ha đất có phải bắt đầu từ tham nhũng vặt? Dẫn các số liệu này, các đại biểu đã nhấn mạnh, dù đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm nhưng tham nhũng cũng đang ngày càng tinh vi và được che đậy bằng nhiều thủ đoạn, có hệ thống và có tổ chức.
Xác minh kê khai tài sản vẫn quá ít
Năm 2019, theo thống kê có 1.081.235 người đã kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ xác minh đối với 46 trường hợp; kết quả xác minh dù phát hiện tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018 nhưng con số cũng chỉ có 10 trường hợp vi phạm. Con số này luôn khiến người dân băn khoăn khi chưa phản ánh đúng thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.
Như nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập là một biện pháp hết sức quan trọng để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng nhưng vẫn chưa khắc phục được tính hình thức. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang), giai đoạn tới, cần siết chặt kỷ cương, nghiêm túc hơn nữa trong kê khai tài sản cá nhân, công bố các nguồn thu, đặc biệt công khai thuế thu nhập cá nhân ở các vị trí quản lý lãnh đạo.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ, đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải thể chế bằng các quy định của pháp luật. Vì vậy, để phát hiện và ngăn chặn từ gốc, phải lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng mỗi cá nhân, tổ chức. Trong đó, tăng cường công khai, minh bạch tài sản của tất cả cán bộ, công chức để giảm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm việc lợi dụng thủ tục hành chính để sách nhiễu, vòi vĩnh; không để hình thành lợi ích nhóm, tham nhũng có hệ thống.