Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấm thía giá trị của thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lợi ích thiết thực tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại cho người tham gia chính là giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh (KCB). Đặc biệt, với người có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau, bệnh tật, giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội.

Nghe tin có chương trình khám bệnh miễn phí, chị Rô H’Pluck (sinh năm 1991) ở buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krong Pa, Gia Lai, nhanh chóng thu xếp công việc để đến khám bệnh. Từ khi không được hỗ trợ mua thẻ BHYT, chị luôn lo lắng sợ bị bệnh.

Tuổi còn trẻ nhưng chị Rô H’Pluck thường xuyên bị ốm đau, phải nằm viện nhưng được hỗ trợ thẻ BHYT nên chị cũng bớt lo lắng. Từ năm xã Phú Cần được đưa ra khỏi xã nghèo nên chỉ những gia đình hộ nghèo hoặc cận nghèo mới được hỗ trợ thẻ BHYT. Đến lúc này chị mới thấy hết giá trị của chiếc thẻ BHYT.

Chị Ksor H’Chuyên (bên trái) điều trị khỏi bệnh lao nhờ được phát hiện qua khám, sàng lọc tại cộng đồng và tặng thẻ BHYT.
Chị Ksor H’Chuyên (bên trái) điều trị khỏi bệnh lao nhờ được phát hiện qua khám, sàng lọc tại cộng đồng và tặng thẻ BHYT.

“Bây giờ, mỗi khi ốm đau, tôi không đi bệnh viện mà kiếm hai, ba chục nghìn mua thuốc về uống tạm. Không có tiền đi khám ở bệnh viện, cũng không có tiền mua thẻ BHYT, ốm nặng thì nằm ở nhà. Nghe nói có chương trình khám sàng lọc bệnh lao miễn phí nên tôi cũng tranh thủ đi khám bệnh” - chị Rô H’Pluck chia sẻ.

Qua tìm hiểu, vợ chồng chị Rô H’Pluck có 3 người con, trong đó có 2 cháu học tiểu học, còn bé út đi mẫu giáo. Năm nay, tiền học của 2 cháu học tiểu học tăng và có mua thẻ BHYT cho 2 cháu, bé út được miễn phí thẻ BHYT, còn vợ chồng chị đều không có thẻ BHYT.

Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào trồng mỳ, cà phê, hoặc làm thuê mướn, chỉ được khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Do đó, làm được bao nhiêu tiền, anh chị ưu tiên dồn cho các con.

Hoàn cảnh của chị Rô H’Pluck cũng tương tự như nhiều người dân khác ở xã Phú Cần. Trong đó có nhiều người rơi vào tình trạng hụt hẫng vì không được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Nếu không trong diện được hỗ trợ, người dân sẽ phải đóng phí 972.000 đồng/năm (4,5 lần lương cơ sở); hoặc 81.000 đồng/tháng.

Với khoản thu nhập eo hẹp, chủ yếu cố gắng lo làm ăn đủ cơm ăn hằng ngày thì nhiều người không có kinh phí cho chăm sóc y tế, gây nên khoảng trống bao phủ thẻ BHYT tại xã. Tại buổi khám, chị Ksor H’Chuyên (sinh năm 1973, buôn Tang) bày tỏ vui mừng vì bác sĩ cho biết kết quả chụp chiếu trên phim X-quang đã không còn dấu hiệu của bệnh lao.

Một người dân huyện Krông Pa vui mừng vì được chữa bệnh không tốn tiền nhờ có thẻ BHYT
Một người dân huyện Krông Pa vui mừng vì được chữa bệnh không tốn tiền nhờ có thẻ BHYT

Chị tâm sự, năm ngoái bị ho nhiều, người mệt, thỉnh thoảng khó thở trong thời gian dài, nhưng vì không có thẻ BHYT nên chị chỉ đi mua thuốc uống, hết thuốc lại mệt. Khi được y tế thôn bản mời tới buổi khám lao miễn phí do Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Gia Lai và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thực hiện, nên chị đi ngay.

Kết quả chụp X-quang cùng với xét nghiệm Xpert khẳng định chị mắc bệnh lao phổi. “Tôi không biết mắc lao từ bao giờ, không biết lây của ai, gia đình tôi không có người mắc. May mắn là Trung tâm SCDI đã mua tặng tôi thẻ BHYT nên tôi chữa bệnh không mất tiền. Nay khỏi bệnh rồi tôi mừng lắm” - chị Ksor H’Chuyên chia sẻ.

Cũng đợt phát hiện bệnh lao với chị còn có 2 người khác và đều được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Ông Kror Đhun, y sĩ chuyên trách bệnh lao tại Trung tâm Y tế huyện Krong Pa cho biết, thông thường khi phát hiện bệnh nhân lao sẽ chuyển gửi lên bệnh viện huyện điều trị “tấn công” trong 2 tháng, sau đó về tuyến xã điều trị duy trì trong vòng 4 tháng.

Nếu không có thẻ BHYT sẽ là gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân lao; đặc biệt những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, khó có điều kiện tuân thủ điều trị kéo dài.

Qua 2 năm thực hiện, đến nay chương trình khám sàng lọc miễn phí bệnh lao tại huyện Krông Pa đã phát hiện 135 trường hợp mắc lao hoạt động (có vi khuẩn lao trong người và phát triển thành bệnh lao) và 146 ca lao tiềm ẩn (có vi khuẩn lao trong người nhưng chưa phát triển thành bệnh lao).

Không chỉ tặng thẻ BHYT cho bệnh nhân lao, chương trình cũng tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nền với tổng cộng gần 50 thẻ.

Chị Trần Thị Thu Hương - chuyên viên phụ trách chương trình sàng lọc lao cộng đồng tại Gia Lai, thuộc Trung tâm SCDI cho biết, qua công tác sàng lọc lao trong cộng đồng cho thấy nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng chống lao tại tỉnh Gia Lai.

Bệnh lao là bệnh phải điều trị lâu dài, nếu không có thẻ BHYT thì họ phải trả chi phí điều trị cả chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng với bệnh lao kháng thuốc.

Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, phần lớn là người nghèo, điều này cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức để có thể xóa căn bệnh này khỏi cộng đồng vào năm 2035 tại chương trình Phòng chống lao quốc gia. Do đó, cần có chính sách đầu tư bền vững để chấm dứt được bệnh lao như mục tiêu đề ra, trong đó làm sao đảm bảo 100% bệnh nhân lao được hỗ trợ BHYT. Có như vậy công tác tuyên truyền, phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh lao mới mang lại hiệu quả.