Trong suốt chiều dài lịch sử, để gìn giữ biên cương, lãnh hải, lãnh thổ, biết bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hướng tới ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, người người lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, những thương bệnh binh đã để lại một phần máu thịt của mình, hay vẫn mang trong mình những di chứng chiến tranh: “Tháng 7 về xin thắp nén hương thơm/Phút tưởng niệm những Anh hùng liệt sĩ/Đã một thời lên đường đi đánh Mỹ/Hiến tuổi xuân cho đất nước thanh bình/Tháng 7 về vang khúc hát Thương binh/Đời để lại "dấu chân tròn trên cát/Dáng liêu xiêu nghiêng khoảng trời nắng nhạt/Lối đi về khập khiễng bước đường quê”.
Nên ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa quan trọng để đồng bảo cả nước bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu nặng trước những cống hiến, hy sinh to lớn của những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì lý tưởng, mục tiêu cao đẹp: bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, đem lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm, quân dân Thủ đô đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt, hàng nghìn người con của quê hương đã hy sinh, cống hiến máu xương và tuổi xuân tươi đẹp cho hòa bình, độc lập.
Cảm phục, biết ơn trước những tấm gương anh dũng đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cũng như nhằm chia sẻ với nỗi đau của thân nhân các gia đình có công với cách mạng, những năm qua, Hà Nội luôn dành nhiều sự quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, người có công thông qua những việc làm có ý nghĩa và thiết thực như lao động, dọn dẹp tổng vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ; tham gia dâng hoa, dâng hương cùng các lãnh đạo địa phương; đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách; thắp nến tri ân, tổ chức hành trình đến với các địa chỉ đỏ... để bày tỏ tấm lòng thành kính tới các Anh hùng liệt sĩ bởi: “Tháng 7 về biết không có bóng anh/Trong đội ngũ điệp trùng hoa chiến thắng/Ngôi sao sáng giữa bầu trời tỏa nắng/Lời tri ân xin thắp nén hương lòng”!
Mỗi một hành động thắp nén hương lòng tưởng nhớ, tri ân đối với thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mà thông qua những hành động và việc làm cụ thể nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của ngày thương binh - liệt sĩ là hành động ghi ơn và tưởng nhớ những người đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho sự trường tồn, phát triển của đất nước.
Cuộc đời, sự nghiệp của người thương binh - liệt sĩ chính là biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng:“Tháng 7 về triệu triệu ngọn nến hồng/Thắp sáng nghĩa trang trải dài theo đất nước/Viếng các Anh linh thiêng hồn Tổ Quốc/Đất Tiên rồng vững bước mãi ngàn năm”.
Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đã trở thành nét đẹp văn hóa, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, kết thành sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Thông qua việc tổ chức các hoạt động tri ân cho các gia đình chính sách, người có công, không chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn là động lực cho thế hệ trẻ tiếp tục ra sức phấn đấu trong lao động và học tập, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.