Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Thắng lợi của chiến tranh Nhân dân

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định, nơi ghi dấu cuộc chiến đấu oanh liệt của 15 chiến sĩ Đội 5 vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân).

Ngày 6/1, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp mặt truyền thống Kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đến dự buổi họp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh; các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng…

Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu tại buổi họp mặt truyền thống.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu tại buổi họp mặt truyền thống.

Phát biểu tại buổi họp mặt, phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đây là thắng lợi của chiến tranh Nhân dân Việt Nam trong thời đại mới, thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, ý chí và quyết tâm chống Mỹ, cứu nước, trong đó có Nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh. Những trận đánh lẫy lừng trong Tết Mậu Thân, những hy sinh to lớn của đồng bào và cán bộ chiến sĩ đã tạo nên tượng đài bất tử, một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh mãi tri ân và biết ơn các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ chiến sĩ, đồng bào đã tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp mặt truyền thống.
Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp mặt truyền thống.

“Với ý nghĩa lịch sử quan trọng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và những thành quả to lớn trong thời gian qua. Chúng ta nguyện tiếp tục ra sức bảo vệ thành quả cách mạng của cha anh, nỗ lực xây dựng và phát triển TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. TP duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của sự năng động, sáng tạo, đổi mới, được bạn bè quốc tế nể trọng” - ông Nguyễn Văn Hiếu phát biểu.

Có mặt tại buổi họp mặt truyền thống, ông Phan Văn Hôn (người trực tiếp tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968), kể lại: “Đội 5 được giao nhiệm vụ đánh Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), là địa điểm quan trọng bậc nhất của địch, có lực lượng bảo vệ đông gấp hàng trăm lần Đội 5. Xác định trận đánh sẽ vô cùng ác liệt, nên tất cả chiến sĩ sẵn sàng hy sinh trong trận đánh này. Nếu lịch sử lặp lại, chúng tôi vẫn quyết định như vậy. Vì khi Đảng cần, đơn vị cần, chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Trước khi diễn ra buổi họp mặt truyền thống, vào sáng cùng ngày các đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định, và dành phút mặc niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập. Đây là nơi ghi dấu trận đánh oanh liệt của 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn – Gia Định vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 31/1/1968 (rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân). 15 chiến sĩ của Đội 5 tấn công vào Dinh Độc Lập, chiến đấu ngoan cường với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn gấp nhiều lần về hỏa lực. 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh, 7 chiến sĩ rơi vào tay giặc.

Nằm trong chuỗi sự kiện này, lúc 19 giờ tối 6/1 diễn ra chương trình sân khấu hóa tại Khu tưởng niệm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần