Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố Tlemcen là thủ đô văn hóa Hồi giáo 2011

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thành phố Tlemcen miền Tây Algeria đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Hồi giáo (ISESCO) chọn làm "Thủ đô văn hóa Hồi giáo năm 2011."

KTĐT - Thành phố Tlemcen miền Tây Algeria đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Hồi giáo (ISESCO) chọn làm "Thủ đô văn hóa Hồi giáo năm 2011."

Lễ hội quốc tế chào mừng sự kiện này đã khai mạc tại Tlemcen ngày 16/4 dưới sự chủ trì của Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika, mở màn cho nhiều hoạt động sẽ kéo dài trong suốt năm nay. Nhiều quan khách cấp cao các nước thuộc ISESCO và 80 đại sứ các nước tại Algeria dự lễ khai mạc.

Thành phố Tlemcen, được mệnh danh là hòn ngọc của vùng Maghreb - gồm các nước Morocco, Algeria, Tunisia), nổi tiếng với hàng chục công trình văn hóa, trong đó phải kể đến cung điện của người Zianide, các thánh đường và danh lam thắng cảnh.

Trong suốt quá trình lịch sử lâu đời của mình, Tlemcen đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và kiến thức về đạo Hồi cho nền văn minh nhân loại.

Tlemcen có các công trình kiến trúc quý giá đại diện cho phần lớn các giai đoạn phát triển của đạo Hồi, là một trong những thành phố cổ kính nhất của Algeria, trong đó thể hiện rõ nhất là giai đoạn thành lập vương quốc Hồi giáo đầu tiên có tên Béni Ifren bởi bộ lạc người Zénète, sau đó là giai đoạn thành lập các Nhà nước của người Idrisside, Fatimide và Almoravide. Chính các nhà nước này đã xây dựng thành phố Tlemcen.

Việc bình chọn danh hiệu Thủ đô văn hóa vùng đã được nhất trí tại Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa do Liên hợp quốc tổ chức năm 1982 ở Mexico, nhằm khuyến khích và nâng tầm đối thoại văn hóa giữa các dân tộc.

Tại Hội nghị lần thứ tư Bộ trưởng Văn hóa các nước Hồi giáo tổ chức năm 2004, các nước thành viên đã đề xuất 3 năm/lần ISESCO bầu chọn thành phố đại diện cho nền văn hóa Hồi giáo trong thế giới Arập, ở châu Phi và châu Á.

Dự thảo chương trình thủ đô văn hóa Hồi giáo do ISESCO đệ trình được thông qua tại phiên họp lần thứ ba của Hội đồng bộ trưởng thuộc Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) tại Doha (Qatar) năm 2001./.