Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh tịnh trong ký ức

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến đền, chùa để tìm cảm giác thanh tịnh đã là chuyện của xa xưa. Khi mà, ở chùa nổi tiếng thì tấp nập người qua lại. Chùa làng sư sãi tìm cách đánh danh phô trương, kêu gọi thật nhiều tiền công đức xây chùa thật đẹp, thật mới và thật hoành tráng. Cảm giác thanh tịnh trong không gian cổ xưa, vắng lặng đã không còn.

 Lễ hội Đền Hùng 2019. Ảnh: Ngọc Tú.
Về đền Hùng, nơi được coi là Quốc Tổ của con Lạc cháu Hồng những ngày tháng 3 đông kín người. Vẫn biết, việc hướng về vua Hùng như một biểu trưng của lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên cũng đã là truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, trước mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương dư luận đặt ra những lo lắng về cảnh chen chúc, xô đẩy ở chốn linh thiêng này. Nhìn những đứa nhỏ khóc gào vì ngột ngạt dù đã được cha, chú kiệu trên cổ; người già, trẻ nhỏ ngủ vạ vật suốt đêm thâu chờ đến ngày Quốc giỗ ở khuôn viên di tích lịch sử đền Hùng ai cũng lắc đầu ngao ngán. Với sự phát triển của xã hội, lượng du khách đổ về đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ đã đông hơn trước rất nhiều. Như thống kê, khu vực đền Hùng hiện chỉ có thể đón tiếp cùng lúc 500.000 lượt người, trong khi lượng khách vào dịp Giỗ Tổ thường đông gấp ba, gấp bốn con số đó. Dịp Giỗ Tổ năm nay đền Hùng không “vỡ trận”, nhưng quá tải. Hướng về Quốc Tổ là nhu cầu chính đáng của người Việt, nhưng có nhất thiết nhớ Tổ là phải về đất Tổ, hay đặt một nén hương lên bàn thờ gia tiên, làm mâm cơm cúng đúng ngày Giỗ Tổ cũng là cách để người ta hướng Tổ?
Không chỉ có đền Hùng, nơi vùng đất Tổ của người Việt, mà về đến chốn linh thiêng Yên Tử, hoặc hành hương đất Phật chùa Hương, dạo ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á - chùa Bái Đính…, khách thập phương đều dễ dàng bắt gặp cảnh cò chạy theo mời đổi tiền lẻ “10 ăn 7”, vàng mã, nhang hương đốt nghi ngút. Tiền lẻ xoa nhẵn tượng Phật, rải đầy các ban thờ. Trên đầu đội mâm to mâm nhỏ đồ mặn. Tính thương mại chen sâu vào đền, chùa. Người ta thỉnh vong, cúng vong, hóa giải ngàn kiếp bằng cả số tiền trăm triệu và tỷ đồng. Niềm tin của những con người một lòng hướng Phật bị mông lung.

Muốn tìm sự thanh tịnh, các phật tử lại trở về chùa làng. Nhưng chùa làng, chùa cổ nay cũng khác xưa. Chùa nhỏ ở ra thành to. Chùa cổ phá đi xây mới để đáp ứng nhu cầu của thầy sư. Hàng ngày truyền thông phê phán ra rả các hành động phá chùa; nhưng rồi việc đâu có dứt. Di sản của cha ông cứ dần bị mai một. Chốn thanh tịnh rửa nhẹ nhàng trần duyên chỉ tìm lại được trong ký ức. Khi mà, người dân đến chùa áo dài khăn xếp chỉnh tề, lòng thành cùng trái cây hái vườn dâng lên ban Phật. Lộc nhận về là những chiếc oản nhỏ xinh để về chia đều cho những đứa trẻ. Thắp hương, ngắm cảnh chùa, thanh tịnh trút bỏ những niệm buồn của dòng đời. Cảm giác ấy nay đã xa rồi.