Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật:

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Họp báo về Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”.

Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Quochoi.vn

Tại cuộc Họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Nhằm kịp thời nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan; qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển; đồng thời, để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trên cơ sở hơn 12 năm không ngừng nỗ lực triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp (từ năm 2010 đến nay), Bộ Tư pháp (Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”. Diễn đàn diễn ra vào ngày 20/12/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Quochoi.vn
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Quochoi.vn

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 nhận được sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng sự tham gia của lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, và đặc biệt là đông đảo đại diện của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển (cũng như điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh) trước những tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch Covid-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường. Do đó, Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Nội dung chính của Diễn đàn tập trung vào 2 Phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1 có chủ đề: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý”. Nội dung phiên thảo luận tập trung các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phục hồi của doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp (gồm nhận diện các vướng mắc pháp lý, nguyên nhân của các vướng mắc đó và phương hướng xử lý).

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú trả lời các câu hỏi. Ảnh: Quochoi.vn
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú trả lời các câu hỏi. Ảnh: Quochoi.vn

Phiên thảo luận 2 có chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh”. Nội dung Phiên thảo luận này tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm việc nhận diện các rào cản pháp lý để có giải pháp khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú cho biết: Qua những ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt được một cách sâu sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.