Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất bại trong trưng cầu dân ý, Thủ tướng Italia từ chức

Hà Phương (Theo BBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Matteo Renzi đã tuyên bố từ chức ngay sau thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu dân ý về việc cải cách Hiến pháp tại Italia.

 Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

Theo ông Renzi, nhiệm kỳ Thủ tướng của ông đã chấm dứt tại thời điểm này. “Ngày mai Tổng thống Italia sẽ có cuộc gặp với tôi và tôi sẽ đệ đơn xin từ chức. Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về thất bại này và tuyên bố rằng tôi đã thua cuộc, chứ không phải các bạn”, ông Renzi nói với giới truyền thông trong buổi họp báo.

Thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân đã gây chấn động mạnh, khi gần 60% số người đi bỏ phiếu chọn nói “không” với phương án cải cách hiến pháp. Ngược lại, đây được xem là chiến thắng của các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy theo đường hướng hoài nghi châu Âu, vốn đã vận động kịch liệt phản đối Renzi và hứa hẹn của ông về việc kích thích nền kinh tế trì trệ của Italia. Thủ tướng Renzi phát biểu: “Khi thất bại, người ta không thể vờ như chưa có chuyện gì xảy ra rồi lên giường đi ngủ. Chính phủ của tôi đã kết thúc tại đây, ngày hôm nay”.

Được biết, một trong những nội dung quan trọng ở Hiến pháp Italia là cơ chế nhị viện, mà trong đó, Thượng viện và Hạ viện có quyền lực ngang bằng, cả hai có quyền bãi bỏ các bộ luật, cũng như bỏ phiếu tín nhiệm hay bãi bỏ chính phủ. Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, người dân Italia sẽ quyết định hủy bỏ hay giữ nguyên cơ chế vốn được xem là một trong những đặc trưng của nền chính trị nước này. Hệ thống nhị viện vốn được xây dựng sau Chiến trang Thế giới thứ hai với hy vọng ngăn cản sự trở lại của chủ nghĩa phát xít.

Ông Renzi (41 tuổi), nhậm chức Thủ tướng Italia vào năm 2014 và trở thành chính trị gia trẻ tuổi nhất đảm nhận chức vụ này tại Italia. Trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý hôm 4/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) được cho là đã có “nhiều đêm mất ăn, mất ngủ”. Bởi, lo lắng việc Italia sẽ đi theo “vết xe” của cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU – hay còn gọi là Brexit.

Như vậy, Italia sẽ “thức dậy vào sáng thứ hai” với nhiều mối đe dọa từ một cuộc khủng hoảng tài chính, bất ổn chính trị… điều này sẽ khiến chính phủ nước này phải đương đầu với nhiều khó khăn mới. Trong đó, cộng đồng sử dụng đồng Euro và EU sẽ phải có những bước đi cẩn thận. Bởi, Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu sử dụng đồng Euro.