Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thấu hiểu, sẻ chia

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn vẫn đang bủa vây DN, thì đề xuất tiếp tục giảm mức thu hàng loạt loại thuế, phí, lệ phí của Bộ Tài chính là rất kịp thời, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, DN.

Qua đó, thể hiện tinh thần luôn đồng hành, sẻ chia của Chính phủ với người dân, DN.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, trong đó đề xuất tiếp tục giảm mức thu khoảng 36 khoản phí, lệ phí, như giảm lệ phí cấp hộ chiếu, căn cước công dân, phí trong lĩnh vực y tế, chứng khoán... năm 2023. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, với mức giảm từ 10 - 50%.

Việc đề xuất giảm phí, lệ phí tiếp tục nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhất là trong bối cảnh từ đầu năm đến nay có hơn 87.000 DN dừng hoạt động, dự kiến cả năm là 178.000 DN dừng hoạt động.

Như vậy, liên tục 4 năm liền, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền giảm các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của mình, để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn. Gần đây nhất, vào năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC quy định giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và DN. Thông tư có hiệu lực kể từ 1/7/2023 đến hết năm 2023.

Trên thực tế, thuế, phí là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp DN ổn định, có thêm nguồn lực vực dậy sau khó khăn.

Trong suốt 4 năm qua, các chính sách giảm thuế, phí đã hỗ trợ đời sống người dân, DN. Chính sách giảm thuế, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng vừa kích cầu, vừa rất nhân văn trong giai đoạn này. Ước tính tổng gói hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2023 là khoảng 700.000 tỷ đồng. Dự kiến các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm do tăng trưởng kinh tế không đạt như dự kiến.

Nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên họp bàn gỡ khó cùng hiệu quả từ chính sách tài khóa và tiền tệ đã giúp nền kinh tế Việt Nam đứng vững, không bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng như nhiều quốc gia khác.

Dự báo trong thời gian tới, nền kinh tế thế giới và trong nước còn đối diện nhiều khó khăn, DN đang khát vốn, thì việc tiếp tục giảm mức thu hàng loạt loại thuế, phí là rất hợp lý, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân, DN.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng lớn, nhưng vẫn trực tiếp giảm nhiều khoản phí, lệ phí, càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân. Chính sách tài khóa tiếp tục để lại nhiều dấu ấn và là điểm tựa thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ, để hỗ trợ người dân, DN và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, bên cạnh các chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính cũng phải tính toán để vừa hoàn thành nhiệm vụ điều hành chính sách tài chính - ngân sách Nhà nước đề ra, vừa hỗ trợ được DN. Ngược lại, phía cộng đồng DN cũng cần đẩy mạnh đổi mới quản trị DN, cơ cấu lại sản xuất để bứt tốc vươn lên.