Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi gây bất ngờ của Tổng thống Putin

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm chần chừ, Nga - nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 4 thế giới - đã chính thức tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris, được ký vào năm 2015.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. 
Tổng thống Vladimir Putin chưa bao giờ là một người trực tiếp phủ nhận biến đổi khí hậu như một số nhà lãnh đạo thế giới hiện nay, nhưng ông được đánh giá là không thực sự nghiêm túc trong hành động.
Phát biểu tại một hội nghị về khí hậu năm 2003, ông Putin thậm chí đã đùa rằng Nga có thể "tận dụng" thời tiết nóng lên để mọi người bớt sử dụng áo khoác lông thú, trong khi sản lượng ngũ cốc nước này sẽ tăng. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cũng thừa nhận, một số khu vực nhất định của Nga đang bị ảnh hưởng ngày một thường xuyên bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trong báo cáo khí hậu hàng năm gần đây nhất, Trung tâm khí hậu quốc gia Nga cho biết nhiệt độ trung bình ở nước này đã tăng 0,47 độ C mỗi năm, trong khoảng thời gian từ 1976 - 2018, nhanh hơn 150% so với toàn cầu. Hồi tháng 7 năm nay, Tổng thống Putin nhận định việc tăng sản xuất và tiêu thụ năng lượng theo cách truyền thống của Nga có thể đang gây ra những rủi ro mới đối với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ông Putin đã lo lắng về việc Nga không thể rũ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu. Với việc Liên minh châu Âu (EU), thị trường xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất của Nga đang có ý định giảm mạnh khí thải, sự phụ thuộc này là một cú hích đối với tăng trưởng kinh tế.
Một bài báo được xuất bản vào năm ngoái bởi nhà kinh tế người Nga Igor Makarov và 2cộng tác viên của Viện Công nghệ Massachusetts ước tính rằng, nếu tất cả các quốc gia thực hiện theo mục tiêu đã đề ra tại Thỏa thuận Paris, tăng trưởng của Nga sẽ chậm 0,2 - 0,3 % mỗi năm.
Trong khi đó, nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở Nga, đặc biệt là trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, đã phản đối việc phê chuẩn Hiệp định Paris khi lập luận rằng Tổng thống Donald Trump rõ ràng đang mang lại lợi ích lớn cho ngành công nghiệp Mỹ, khi ông rút nước mình ra khỏi hiệp ước.
Tổng thống Nga Putin dường như đã bác bỏ những lập luận này. Hôm 23/9, cùng ngày với Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký một nghị quyết chính phủ - không cần phải phê chuẩn nghị viện - đưa Nga vào tầm kiểm soát của Thỏa thuận.
Trước khi kết thúc năm nay, Quốc hội Nga dự kiến ​​sẽ nhận được một dự thảo của Chính phủ về luật phát thải mới, có khả năng sẽ tạo ra một số phản ứng khó chịu nơi ngành năng lượng nước này, đặc biệt là các nhà máy điện đốt than.
Cho dù những ý định này của Chính phủ Nga sẽ dẫn đến giảm phát thải thực sự của nước này, hay đơn giản là tạo ra một loại thuế khác đối với ngành công nghiệp, nhưng ít nhất đã cho thấy quan điểm của Tổng thống Putin về biến đổi khí hậu đang đi đúng hướng và ông muốn chính phủ của mình làm nhiều hơn nữa.