Thấy gì từ 5 tỷ đồng làm phim về trận thành cổ Quảng Trị

Bình An/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Điện ảnh Quân đội nhân dân đang trong quá trình chuẩn bị cho bộ phim “Mưa đỏ” về cuộc chiến kéo dài 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972.

 

Hình ảnh trong phim "Mùi cỏ cháy" về trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nhà sản xuất
Hình ảnh trong phim "Mùi cỏ cháy" về trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nhà sản xuất

Để có lợi thế trên bàn đám phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris năm 1973, cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong sử sách ghi chép lại là một trong những trận chiến khốc liệt nhất của Chiến dịch Xuân Hè 1972.

Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai thành dự án phim “Mưa đỏ”, dự kiến ra rạp vào năm 2025 nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước (1945-2025).

Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân cho biết, kịch bản “Mưa đỏ” hay và xúc động song đòi hỏi kinh phí sản xuất lớn. Phải mất gần 10 năm ấp ủ, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã đưa “Mưa đỏ” vào sản xuất. Phim sẽ được quay tại Quảng Trị và một số địa điểm khác như Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Paris (Pháp)...

Câu chuyện về kinh phí sản xuất phim lịch sử đã được bàn đến nhiều lần, thậm chí đã là đề tài “biết rồi khổ lắm nói mãi” ở phim Việt.

Chưa rõ Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã chuẩn bị được bao nhiêu kinh phí cho “Mưa đỏ”, nhưng chuyện tiền làm phim lịch sử, chiến tranh đặt hàng từng rất “vật vã” ở Hãng phim truyện Việt Nam.

5 tỷ đồng làm phim về trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị

Năm 2010, bộ phim “Mùi cỏ cháy” xoay quanh cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 nhận được mức kinh phí “đặt hàng” 5,2 tỉ đồng. Nhiều đạo diễn từ chối không dám nhận một dự án phim lịch sử với mức kinh phí thấp như vậy, cuối cùng phim được giao cho đạo diễn Nguyễn Hữu Mười.

Được biết, 5,2 tỷ đồng sau khi được giao về Hãng phim truyện Việt Nam, theo nguồn tin từ đoàn phim, kinh phí còn bị cắt lại 2 tỷ đồng để trả lương cho cán bộ công nhân viên, chỉ còn lại hơn 3 tỷ đồng để làm phim.

Đạo diễn Hữu Mười từng chia sẻ, với hơn 3 tỷ đồng kinh phí, anh đã phải đối diện với thách thức quá lớn khi thực hiện “Mùi cỏ cháy”. Đoàn phim không biết sẽ phải căn chỉnh tài chính như thế nào trong việc dựng lại bối cảnh trận chiến - vốn cần đến rất nhiều tiền.

Thế nhưng, khi ngồi đọc tài liệu lịch sử, đọc những bức thư gửi gia đình của các liệt sĩ trước khi hy sinh trong trận đánh ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, đạo diễn đã bật khóc. Nỗi xúc động chạm đến tâm can, khiến đạo diễn Hữu Mười thấy mình cần có trách nhiệm phải hoàn thiện dự án phim này để như một nén tâm hương tri ân thế hệ cha anh đã ngã xuống, thế hệ những sinh viên 19-20 tuổi đã gửi lại tuổi trẻ của mình dưới lòng sông Thạch Hãn.

Hình ảnh trong phim “Mùi cỏ cháy“. Ảnh: Nhà sản xuất
Hình ảnh trong phim “Mùi cỏ cháy“. Ảnh: Nhà sản xuất

“Mùi cỏ cháy” được chắp bút bởi cố nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, kịch bản dựa trên cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Phim xoay quanh 4 sinh viên Đại học Tổng hợp là Hoàng, Thành, Thăng Long, họ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, gác lại việc học, lên đường nhập ngũ, bổ sung lực lượng chiến đấu cho chiến trường Quảng Trị.

Cuối năm 2010, “Mùi cỏ cháy” được bấm máy. Đạo diễn Hữu Mười xúc động kể: “Tôi đọc trong tư liệu kể lại rằng, mỗi đêm có khoảng hơn 100 chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn sang thành cổ Quảng Trị chiến đấu và có nhiều đêm, chẳng còn ai sang được đến thành cổ, tất cả họ đều đã nằm lại dưới lòng sông bởi bom đạn quân thù. Tôi đã đưa vào phim những chi tiết như, có những người lính chưa biết bơi, có những người lính còn đang học bạn cách bắn súng, cách ném lựu đạn… Họ còn quá trẻ, họ được chi viện gấp rút cho chiến trường. Ở bên kia bờ sông là chiến trường, bên này sông các chiến sĩ vẫn đang học bắn súng, học bơi… Đọc tư liệu, đọc lịch sử, để thấy cuộc chiến đẫm máu như thế nào, để thấy cái giá của chiến tranh đắt đến mức nào”.

Phim lịch sử, chiến tranh cần được chung tay đầu tư

Với mức kinh phí eo hẹp, “Mùi cỏ cháy” đã không thể có được hiệu ứng hình ảnh như mong đợi, phim lấy cảm xúc của khán giả bằng tình tiết, chi tiết, về những sự hy sinh của một thế hệ tuổi trẻ.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khi bàn về phim lịch sử, chiến tranh đã cho rằng, nhìn vào mức kinh phí của điện ảnh thế giới đầu tư cho phim chiến tranh để thấy, mỗi dự án sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD.

“Mùi cỏ cháy” xoay quanh số phận của 4 sinh viên khi lên đường chi viện cho chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Nhà sản xuất
“Mùi cỏ cháy” xoay quanh số phận của 4 sinh viên khi lên đường chi viện cho chiến trường Quảng Trị năm 1972. Ảnh: Nhà sản xuất

Phim lịch sử, chiến tranh có đặc thù khác biệt khi phải tái dựng lại bối cảnh chiến trận với vũ khí, khí tài, phục trang... Nên, theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, muốn làm phim chiến tranh phải cần đến rất nhiều tiền.

Hồi tháng 2/2024, số phận kỳ lạ của “Đào, phở và piano” đã cho thấy sức hút của dòng phim chiến tranh, lịch sử. Đã đến lúc, dòng phim này cần được chú ý, đầu tư và sự chung tay sản xuất của cả nhà nước lẫn tư nhân.