Thấy gì từ một huyện phấn đấu nông thôn mới nâng cao tại tỉnh Hải Dương

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này được đi trên con đường làng trải nhựa mới, rộng thênh thang nhìn ra cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào vụ mới thấy trên nét mặt bà con nông dân tại huyện Nam Sách, Hải Dương phấn khởi đến nhường nào.

Những ngôi nhà mới khang trang tại xã An Lâm, Nam Sách, Hải Dương. Ảnh Vĩnh Quân
Những ngôi nhà mới khang trang tại xã An Lâm, Nam Sách, Hải Dương. Ảnh Vĩnh Quân

Đến thực tế tại xã An Lâm, chúng tôi được đồng chí Trưởng phòng nông nghiệp Mạc Văn Tuấn trực tiếp dẫn đi men theo con đường thẳng tắp chạy ra cánh đồng đang bước vào vụ gặt mới cảm nhận được cuộc sống nơi đây thật bình yên.

Ông Mạc Văn Tuấn cho biết, trên địa bàn huyện Nam Sách hiện có 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có từ 10 đến 11 xã, hiện có 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu là An Lâm và Nam Tân.

Phấn đấu sang năm 2025 có từ 3 đến 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, phải nói rằng chương trình nông thôn mới đã giúp người dân nông thôn có cuộc sống thay đổi nhiều hơn so với trước.  

Con đường trải nhựa thẳng tắp. Ảnh Vĩnh Quân
Con đường trải nhựa thẳng tắp. Ảnh Vĩnh Quân

Hiện các địa phương đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu. Đến năm 2025 huyện về đích nông thôn mới nâng cao, đến năm 2030 phấn đấu toàn huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện Nam Sách, năm 2024, huyện có 4 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao gồm: Nam Hưng, Nam Chính, An Sơn và xã Cộng Hoà. Đây là huyện có nhiều xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

Bà con nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng làng. Ảnh Vĩnh Quân
Bà con nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng làng. Ảnh Vĩnh Quân

Hiện các xã đã hoàn thành từ 12 - 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Một số tiêu chí chưa hoàn thiện như quy hoạch, văn hoá, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, quốc phòng và an ninh…

Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay, các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình duy trì các tiêu chí đã đạt, hoàn thiện công trình, hồ sơ các tiêu chí chưa đạt.

Đặc biệt chú trọng giải phóng các vật cản, vật liệu tại hành lang giao thông các tuyến đường. Giao cho đoàn thể là hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên... phụ trách các tuyến đường tự quản vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh, nhặt cỏ bảo đảm cảnh quan môi trường…

Cánh đồng hoa mẫu đơn bát ngát. Ảnh Vĩnh Quân
Cánh đồng hoa mẫu đơn bát ngát. Ảnh Vĩnh Quân

Huyện Nam Sách hiện có 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Nam Hồng, Nam Tân, Hồng Phong, Phú Điền, An Lâm, Thái Tân, Nam Trung, Đồng Lạc và xã An Bình.

Huyện Nam Sách phấn đấu trong thời gian tới sẽ là 3 khâu đột phá: Huy động tối đa các nguồn lực, nâng cấp, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của người đứng đầu; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong giai đoạn mới.

Nam Sách phấn đấu hàng năm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản bình quân đạt từ 2%/năm trở lên; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng đạt 13,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 10,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng/năm, đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đến năm 2025 đạt 230 triệu đồng.

Đến năm 2025, có 10 - 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; định hướng đến năm 2030, huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhà văn hoá thôn vô cùng đẹp đẽ, khang trang. Ảnh Vĩnh Quân
Nhà văn hoá thôn vô cùng đẹp đẽ, khang trang. Ảnh Vĩnh Quân

Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; trước năm 2030 có ít nhất 50% số xã đạt tiêu chí phường. Đến năm 2025, 100% số gia đình sử dụng nước máy; thu gom xử lý 100% rác thải sinh hoạt đô thị, 98% rác thải sinh hoạt nông thôn. Hàng năm, có trên 80% số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 90% chính quyền cơ sở, tập thể cơ quan, đơn vị đạt lao động tiên tiến.

 

Dù cơn bão số 3 đã đi qua gây thiệt hại nặng nề cho người dân, chính quyền về kinh tế nhưng không làm nhụt ý chí quyết tâm của cán bộ đảng viên và nhân dân Nam Sách quyết tâm phấn đấu vượt qua để xây dựng huyện đạt huyện nông thôn mới năm 2025.