Ngày 20/7, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati. Động thái này của ông Modi nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực do El Nino, dẫn đến giá gạo tăng cao.
Lệnh cấm này đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường toàn cầu, với việc giá gạo tăng vọt.
Trả lời phỏng vấn Al Jazeera, ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch của Olam Agri India Private Limited, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ, cho biết: “Giá gạo đã tăng lên 650 USD từ mức 550 USD/tấn trong các giao dịch trước đó”.
Ấn Độ hiện đang là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% thương mại về gạo toàn cầu vào năm 2022.
Siêu cường này đã xuất khẩu 22 triệu tấn gạo trị giá 9,66 tỷ USD sang 140 quốc gia, bao gồm 4,5 triệu tấn gạo basmati, 8 triệu tấn gạo đồ, 6 triệu tấn gạo trắng non-basmati và 3,5 triệu tấn gạo tấm.
Mặc dù New Delhi vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo đồ và gạo basmati theo các cam kết quốc tế, nhưng giá gạo toàn cầu đã tăng 15-25% kể từ khi lệnh cấm được áp dụng. Tất nhiên, thiệt hại lớn nhất thuộc về các quốc gia phụ thuộc vào gạo trắng Ấn Độ như Bangladesh và Nepal hay một số nước châu Phi thường sử dụng gạo tấm như Benin, Senegal, Togo và Mali.
Vốn đã khó khăn khi giá ngũ cốc tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine hay việc Moscow rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thế giới bây giờ lại điêu đứng hơn bởi lệnh cấm gạo của Ấn Độ cũng như rủi ro cấm lương thực từ các quốc gia Thái Lan hay Pakistan do El Nino.
Nhiều chuyên gia cho biết tình trạng thiếu gạo sẽ khiến cho giá cả của các loại lương thực khác như lúa mì, đậu nành và ngô tăng cao.
Tại sao Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo?
Gạo là lương thực chính của hơn một nửa dân số Ấn Độ.
Bất chấp việc sản lượng sản xuất 135 triệu tấn gạo/năm đủ sức đáp ứng cho toàn bộ người dân trong nước, với khoảng 100-105 triệu tấn/năm, chính phủ nước này đưa ra phương án cấm sản xuất gạo trước lo lắng về việc giá cả ngày càng tăng cao.
“Mức dự trữ gạo của chúng tôi rất thoải mái, với khoảng 41 triệu tấn gạo trong kho, nhưng giá lương thực trong nước đang tăng lên khiến chính phủ lo lắng” - ông Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á tại Trung tâm Khoai tây Quốc tế, cho biết.
Trả lời phỏng vấn của Al Jazeera, một số thương nhân cho biết do giá gạo ở Ấn Độ tăng hơn 10%, bắt nguồn từ sự tăng lên của giá gạo toàn cầu sau xung đột Nga-Ukraine, New Delhi đã buộc phải cấm xuất khẩu gạo để hạ nhiệt giá trong nước và phòng ngừa trong trường hợp El Nino.
Tuần trước, chính phủ Ấn Độ đã phải giảm 2,5 triệu tấn gạo trên thị trường mở do giá gạo không có dấu hiệu giảm.
Theo các chuyên gia, lệnh cấm xuất khẩu sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi bầu cử quốc gia vào tháng 5/2024 kết thúc. Điều này xuất phát từ việc ông Modi muốn tạo lợi thế trước các đối thủ trong cuộc đua chính trị từ việc giữ giá ở mức thấp.
Nỗi lo sợ thường trực
El Nino đang ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất lương thực ở châu Á – khu vực chiếm đến 90% sản lượng gạo toàn cầu.
Thị trường toàn cầu sẽ càng khó khăn hơn khi hiện tượng thời tiết cực đoan này ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất gạo ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, với thời gian ảnh hưởng lên đến 100%.
Không những vậy, ngoài hiện tượng El Nino có thể kéo dài trong nhiều tháng, việc sản xuất lúa gạo của khu vực châu Á còn bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như: Lũ lụt lớn ở Pakistan do Biển Ả Rập ấm lên khiến mùa màng thiệt hại nặng nề.
Tất cả những tình trạng trên đang đè nặng lên triển vọng phục hồi sản xuất gạo của thị trường châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, buộc các quốc gia phải đưa ra giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và quốc tế, tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng lương thực toàn cầu.