Thế giới ngóng vaccine Covid-19 từ Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 tuần trôi qua kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chia sẻ hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 thừa với thế giới - dự kiến diễn ra vào tháng 6 này - các nước vẫn đang chờ đợi và ngày càng nóng lòng muốn biết liệu những liều vaccine đó sẽ đi tới đâu và được phân phối như thế nào?

Tổng thống Joe Biden trong một cuộc họp báo về việc tiêm chủng Covid-19 tại Nhà Trắng, tháng 4/2021. Ảnh: AP
Tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp cho các quốc gia khác toàn bộ 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được sản xuất trong nước. Loại vaccine này hiện vẫn chưa được phép sử dụng ở Mỹ nhưng đã được chấp thuận rộng rãi trên khắp thế giới. Dự kiến, các liều vaccine AstraZeneca do Mỹ sản xuất sẽ sẵn sàng được chuyển đi ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hoàn thành đánh giá an toàn. Bên cạnh đó, ông Biden cũng hứa sẽ chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine từ nguồn dự trữ vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiện có, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chia sẻ các loại vaccine được tin tưởng sử dụng tại nước này.
Theo một phát biểu đưa ra hồi tháng 5 vừa qua của Tổng thống Biden, những liều vaccine cung cấp cho thế giới lúc này được xem như một “kho vũ khí” Mỹ thời hiện đại, không chỉ là nguồn cung quan trọng cho các đối tác nước ngoài của Washington, mà còn là một công cụ cần thiết cho cuộc chiến với dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, một câu hỏi trọng tâm dành cho tham vọng này là bao nhiêu liều vaccine nên được cung cấp cho những người cần nó nhất và bao nhiêu phần nên được dành cho các đối tác của Mỹ?

Tuần trước, tân Quản trị viên USAID Samantha Power đã đưa ra một số thông tin, được xem như lần đầu tiên tiết lộ khả năng phân phối vaccine của Mỹ. “75% liều lượng chúng ta chia sẻ có thể sẽ được chia sẻ thông qua COVAX. 25% bất kỳ nguồn cung dư thừa nào mà chúng ta đang quyên góp sẽ được dự trữ để có thể triển khai song phương” - bà Samantha Power nói trước Ủy ban Phân bổ của Thượng viện Mỹ. Cũng theo bà Power, quyết định cuối cùng sẽ là kết quả của sự kết hợp giữa mối quan hệ mà Mỹ đang có với các quốc gia; sức khỏe cộng đồng và quỹ đạo khoa học dịch tễ của căn bệnh; nhận định về nơi vaccine có thể hoạt động tốt nhất; và cơ sở hạ tầng cũng như sự sẵn sàng của các quốc gia nhận vaccine. Gọi quyết định về nơi gửi vaccine Covid-19 là “một câu hỏi cấp bách”, bà Samantha Power nhấn mạnh rằng “rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nhu cầu vaccine ngay lúc này”.

Nhiều quốc gia đã trực tiếp đề nghị Mỹ trao cho họ số vaccine thừa, song tới giờ chỉ mới có Mexico và Canada nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ cũng đã công bố kế hoạch chia sẻ đủ số liều cho Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ của nước này, những người đang phục vụ trong quân ngũ cùng với lính Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. AP dẫn lời một quan chức Nhà Trắng thì cho biết, kế hoạch chia sẻ vaccine lớn hơn của Mỹ vẫn chưa được quyết xong và hiện là chủ đề tranh luận về chính sách trong nội bộ Nhà Trắng cũng như Chính phủ liên bang. Kế hoạch này cũng liên quan tới COVAX - Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu được Liên Hợp quốc hậu thuẫn, nhằm đáp ứng nhu cầu của những quốc gia có thu nhập thấp hơn - và những bên khác, bao gồm các công ty dược phẩm.

Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã cam kết cung cấp 4 tỷ USD cho COVAX - nơi đã cam kết chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 với hơn 90 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia mà Mỹ có quan hệ bất ổn. Theo AP, việc để COVAX quyết định cách phân phối phần lớn vaccine do Mỹ cung cấp được Chính quyền Washington coi là cách công bằng nhất để xác định ai được lợi. Điều này cũng được cho là sẽ giúp Mỹ tránh bất kỳ hậu quả chính trị nào có thể đến từ việc chia sẻ vaccine trực tiếp với các đối thủ.