Thế giới trong tuần: Biểu tình phản đối tăng giá xăng biến thành bạo loạn dữ dội tại Paris

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc biểu tình phản đối tăng thuế xăng dầu biến thành bạo loạn tại Paris; Hội nghị Cấp cao APEC không ra được Tuyên bố chung là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu tại Pháp gây bùng phát bạo lực
Các cuộc biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu tiếp tục nổ ra trên toàn nước Pháp, làm bùng phát bạo lực và gây nhiều tổn hại vật chất.
Ngày 24/11, các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng thuế nhiên liệu tiếp tục nổ ra trên toàn nước Pháp, làm bùng phát bạo lực và gây nhiều tổn hại vật chất.
Theo công bố của Bộ Nội vụ Pháp, có gần 30.000 người biểu tình “áo vàng” trên toàn nước Pháp trong ngày 24/11, riêng tại thủ đô Paris có khoảng 8.000. Đặc biệt, theo lời kêu gọi của đảng Tập hợp Quốc gia, khoảng 5.000 người đã tập trung biểu tình tại đại lộ Champs Élysées, đại lộ trung tâm tại thủ đô Paris. 
Cảnh sát Pháp đã bắt giữ ít nhất 26 trường hợp quá khích trong chiều 24/11.
Cơ quan an ninh Pháp đã phải bố trí khoảng 5.000 cảnh sát và hiến binh quốc gia tại trung tâm thủ đô để đảm bảo trật tự. Tuy nhiên, bạo lực đã nhanh chóng bùng phát giữa những người biểu tình “áo vàng” và lực lượng cảnh sát. Cảnh sát thường xuyên phải sử dụng lựu đạn hơi cay và vòi rồng để đẩy lui đám đông biểu tình quá khích. 
Bên cạnh đó, người biểu tình tại thủ đô Paris đã đập phá các cửa hàng, các công trình công cộng trên đường, đốt phá nhiều tài sản công, xe hơi đỗ ven đường. Tính đến đầu giờ chiều, cảnh sát Pháp đã bắt giữ ít nhất 26 trường hợp quá khích.
Trước tình trạng hỗn loạn, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã kêu gọi những người biểu tình bình tĩnh và tuân thủ pháp luật. Theo quan sát của các phóng viên tại hiện trường, đã có nhiều người bị thương, trong đó có những người biểu tình và nhiều cảnh sát.
Nếu như cách đây một tuần, các cuộc biểu tình tập hợp khoảng 282.000 người trên toàn nước Pháp diễn ra một cách tự phát thì đến ngày 24/11 đã có sự tham gia của các đảng đối lập như đảng Nước Pháp bất khuất (France insoumise) của ông Jean-Luc Mélenchon hay đảng Tập hợp quốc gia (Rassemblement national) của bà Marine Le Pen.
Nga chỉ trích Mỹ viện cớ tiêu diệt IS để hiện diện quân sự tại Syria
Ngày 24/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Mỹ đang viện cớ tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria. Ông Lavrov cũng chỉ trích việc Washington "coi IS gần như là một đồng minh" trong cuộc chiến nhằm vào Chính phủ Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ngoại trưởng Nga nhắc lại tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc IS chưa thất bại hoàn toàn, trong khi nêu ra điều kiện cần thiết để đánh bại nhóm khủng bố này, đó là sự thay đổi chính phủ cầm quyền ở Syria cũng như việc Iran và các lực lượng thân Iran cần rút quân khỏi Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva ở thủ đô Lisbon, ông Lavrov nêu rõ: "Suy đoán của tôi, đó là Mỹ xem IS như cái cớ để hiện diện quân sự ở Syria và thậm chí coi IS gần như là một đồng minh trong cuộc chiến nhằm vào chính quyền Syria, được chứng minh là thật.
Mục tiêu chủ yếu của họ hiện nay là thay đổi chính quyền, chứ không phải đánh bại IS". Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ có một "chương trình nghị sự ngầm" ở Syria bên cạnh mục tiêu công khai là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.
Sau khi nhận được yêu cầu của chính quyền Tổng thống Bashar Al Asssad, Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria từ mùa Thu năm 2015. Nhờ các cuộc không kích lớn và hiệu quả của Nga, cục diện cuộc chiến tại Syria đã nhanh chóng thay đổi. Hiện quân đội của Tổng thống Assad đã nắm quyền kiểm soát tới 95% diện tích đất nước.
Hạ viện Mỹ sắp điều tra mối quan hệ của ông Trump với Ả Rập Saudi
Các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ sẽ điều tra phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Ngày 23/11, Adam Schiff - người đứng đầu Ủy ban tình báo sắp tới của Hạ viện Mỹ, cho biết họ sẽ điều tra đánh giá của tình báo Mỹ về cái chết của ông Khashoggi, sự ổn định của gia đình hoàng gia Ả Rập Saudi và cách vương quốc này đối xử với các nhà phê bình và nhà báo.
Adam Schiff - người đứng đầu Ủy ban tình báo sắp tới của Hạ viện Mỹ.
Ông Schiff nói rằng Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ sẽ điều tra Tổng thống Trump về cách ông phản ứng với vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, “đào sâu” vào mối quan hệ giữa Mỹ với Ả Rập Saudi. “Chắc chắn chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn vụ ám sát Khashoggi” - ông Schiff khẳng định. “Chúng tôi chắc chắn muốn kiểm tra xem giới tình báo biết gì về vụ án”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ nhận đánh giá của Cục Tình báo Mỹ (CIA) cho rằng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman trực tiếp ra lệnh giết nhà báo Khashoggi.
Nhà Trắng đã không đưa ra bình luận nào khi được hỏi về phản ứng trước tuyên bố của ông Schiff.
Nhà báo Khashoggi mất tích sau khi đến lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10. Ngày 22/11, ông Trump nhắc lại nghi vấn khi cho rằng CIA vẫn chưa đi đến kết luận và thái tử Ả Rập Xê Út đã phủ nhận kịch liệt có liên quan đến vụ án.
Ông Adam Schiff là người đứng đầu đảng Dân chủ ở Ủy ban Tình báo Hạ viện và sẽ chính thức tiếp quản vị trí chủ tịch ủy ban vào ngày 3/1/2019.
Trả lời Washington Post, ông Schiff cho hay: “Chắc chắc là chúng tôi sẽ đào sâu hơn về vụ sát hại ông Khashoggi, chúng tôi muốn xem xét kỹ lưỡng những gì cộng đồng tình báo biết về vụ việc”.
Nghị sỹ Schiff cho biết ủy ban của ông sẽ xem xét các thông tin trong bản đánh giá của CIA, và tìm hiểu xem liệu các mối quan hệ tài chính cá nhân của ông Trump với Ả Rập Saudi có ảnh hưởng đến phản ứng của tổng thống đối với vụ việc này hay không.
“Có rất nhiều khả năng xung đột giữa lợi ích và các vấn đề tài chính mà Quốc hội cần điều tra. Nếu đầu tư nước ngoài trong công việc của ông Trump có thể ảnh hưởng đến các chính sách của Mỹ và đi ngược lại lợi ích quốc gia, chúng tôi cần tìm ra” - ông Schiff nói.
Hiện ông Trump vẫn giữ quan điểm về quan hệ với Ả Rập Saudi - một đồng minh quan trọng ở Trung Đông, khi xét đến những hợp đồng vũ khí với Riyadh và chiến lược liên quan đến Iran. 
APEC 2018 không ra Tuyên bố chung 
Mâu thuẫn và xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất APEC Mỹ và Trung Quốc chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc Hội nghị Cấp cao APEC lần đầu tiên trong lịch sử không ra được Tuyên bố chung. 
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc có một bài bình luận ra ngày 19/11, nói rằng việc APEC lần đầu tiên không ra được một tuyên bố chung cũng “không phải là vấn đề lớn”. Tuy nhiên, với một diễn đàn quy mô lớn gồm 21 nền kinh tế thành viên, đóng vai trò là “cầu dao tự động” đối với các vấn đề tài chính, kinh tế lớn của khu vực và thế giới, sự kiện này dường như là một chuyện lớn. Từ khi thành lập năm 1989 tới nay, chưa kỳ họp APEC nào lại có cái kết tồi tệ, có thể gọi là thất bại như APEC năm 2018.
Các đại biểu dự Hội nghị Cấp cao APEC cùng chụp ảnh kỷ niệm.
Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neill, cũng phải thừa nhận thất bại: “Bạn biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi có thể nói gì nữa đây?”
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến cho cộng đồng quốc tế không thể quyết định một số vấn đề kinh tế, thương mại quan trọng nhất thời đại. Diễn đàn APEC năm nay được kỳ vọng có thể là nơi tháo ngòi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, dù cho kỳ vọng này là quá cao. Thế nhưng, không những không làm giảm, dù chỉ một chút căng thẳng, mà mọi thứ giữa hai nước còn tồi tệ hơn khi APEC tổ chức tại thủ đô Port Moresby trở thành “đấu trường” của quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Theo tờ Australian Financial Review, cả Mỹ và Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tới cân bằng khu vực trong vấn đề an ninh, thương mại và thịnh vượng - vốn được duy trì suốt hàng chục năm qua.