Vụ tấn công khủng bố gần tòa nhà Quốc hội Anh
Cảnh sát tại hiện trường vụ tấn công ở thủ đô London. |
Vụ việc diễn ra ngày 22/3 (giờ địa phương), kẻ tấn công đã dùng một xe tải lao vào dòng người trên cầu Westminste rồi lao vào cổng tòa nhà Quốc hội Anh (trung tâm thủ đô London) khiến 5 người thiệt mạng và ít nhất 40 người bị thương. Giới truyền thông dẫn nguồn tin từ cảnh sát Anh cho biết, tên khai sinh của thủ phạm gây ra vụ tấn công khủng bố trên cầu Westminster, ở thủ đô London là Adrian Russell Ajao, sinh năm 1964 tại Anh.
Sĩ quan chống khủng bố hàng đầu của Anh Mark Rowley cho biết, giới chức đã thực hiện “hai vụ bắt giữ quan trọng” nữa trong đêm, một ở West Midlands và một ở Tây Bắc nước này. Như vậy, 9 người đã bị bắt giữ và một phụ nữ được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử.
Thủ tướng Anh Theresa May tiết lộ, hung thủ gây ra vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội một ngày trước đó là một công dân sinh ra tại Anh, có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực và từng bị Cơ quan tình báo quốc gia (MI5) giám sát. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công ở thủ đô London. Trong một tuyên bố bằng tiếng Arab, tổ chức này cho biết thủ phạm gây ra cuộc tấn công ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh là một chiến binh của họ.
Phiên thẩm vấn đầu tiên của cựu Tổng thống Park Geun-hye
Khoảng 9 giờ 30 ngày 21/3 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Park Geun Hye xuất hiện tại Văn phòng công tố Trung tâm quận Seoul theo lệnh triệu tập thấm vấn. Tại đây, bà Park gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân Hàn Quốc và cam kết sẽ hợp tác trong cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng dẫn đến việc bà bị phế truất.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đến cơ quan công tố. |
Các công tố viên của Hàn Quốc đang cân nhắc một lệnh bắt giữ đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye sau khi tiến hành thẩm vấn bà Park trong suốt 14 giờ đồng hồ về vụ bê bối tham nhũng gây chấn động chính trường Hàn Quốc những ngày qua. Các công tố viên hiện chưa quyết định được liệu có nên tìm kiếm một lệnh bắt giữ đối với bà Park Geun-hye hay không, tuy nhiên thông báo sẽ sớm đưa ra quyết định của mình dựa theo luật pháp sau khi xem xét kỹ lưỡng những gì thu được từ quá trình thẩm vấn.
Ngày 10/3 vừa qua, Tòa án Hiến pháp công bố phán quyết giữ nguyên nội dung luận tội của Quốc hội nước này, theo đó bà Park Geun-hye đã bị phế truất và một cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tiến hành trong ngày 9/5.
Bà Park Geun-hye bị cáo buộc đã để cho người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc của nhà nước dù không có chức danh chính thức nào trong chính phủ, và cấu kết với người này để lấy hàng triệu USD từ nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Ngoài ra, bà Park còn bị cáo buộc xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ công dân trong vụ chìm phà Sewol năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng.
Dự luật chăm sóc sức khỏe “Trumpcare” thất bại
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Giới truyền thông đưa tin, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan mới đây cho biết, ông và Tổng thống Donald Trump đã nhất trí không đưa dự luật chăm sóc sức khỏe vào bỏ phiếu tại Quốc hội nữa sau khi nội dung của nó rõ ràng đã không thể nhận đủ tối thiểu 215 phiếu cần thiết của đảng Cộng hòa.
Việc rút dự luật chăm sóc sức khỏe dự kiến thay thế Obamacare của ông Trump vào phút chót trước giờ bỏ phiếu theo kế hoạch được cho là một thất bại rất lớn với ông Trump. Một trong những cam kết lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là hủy bỏ và thay thế luật chăm sóc sức khỏe được thực thi dưới thời tổng thống Obama, còn gọi là Obamacare.
Phà Sewol nổi lên mặt nước sau 3 năm chìm dưới biển Hàn Quốc
Gần 3 năm sau thảm họa khiến hơn 300 người thiệt mạng, cơ quan chức năng Hàn Quốc ngày 23/3 đã nâng được một phần phà Sewol lên khỏi mặt nước. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy thân tàu màu trắng dài 140m, phủ đầy bùn và trầm tích, nổi lên mặt nước và được đỡ xung quanh bằng những chiếc sà lan.
Hiện trường khu vực trục vớt chiếc phà Sewol. |
Lee Cheol-jo, một quan chức Bộ Đại dương và Ngư nghiệp Hàn Quốc, phụ trách chiến dịch trục vớt, cho biết phà được nâng lên 13 mét trên mặt biển, sau đó chuyển lên một tàu bán chìm bán nổi. Quá trình dự kiến kéo dài đến ngày 24/3 nhưng cũng có thể mất 12 - 13 ngày để phà được kéo vào cảng gần đó.
Chỉ khi đã nằm ở cảng, giới chức mới bắt đầu kiểm tra con tàu và tìm kiếm 9 thi thể nạn nhân được cho là còn mắc kẹt bên trong. Cuộc trục vớt dự kiến tiêu tốn khoảng 85 tỷ Won (75 triệu USD). Phà Sewol, có trọng tải 6.825 tấn, đã ở sâu khoảng 40m dưới biển kể từ khi bị lật và chìm ngoài khơi đảo Jindo, thuộc tỉnh Nam Jeolla Tây Nam Hàn Quốc, vào ngày 16/4/2014.
Phà chở 476 người, trong đó 304 người đã thiệt mạng, hầu hết nạn nhân là học sinh đang trong chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức. Đến nay, vẫn còn 9 thi thể mất tích, được cho là có thể đang mắc kẹt bên trong phà.
Chính phủ Brazil ra lệnh thu hồi thịt nghi vấn
Ngày 24/3, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil (Senacom) phát lệnh thu hồi các sản phẩm thịt do 3 công ty gồm Souza Ramos, Transmeat và Peccin đang hoạt động tại bang miền nam Parana sản xuất do có liên quan tới bê bối thịt bẩn.
Thịt từ Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất cấm không an toàn cho sức khỏe. |
Đây là 3 trong tổng số 21 công ty chế biến thịt đang bị điều tra trong vụ bê bối thịt bẩn. Theo đó các công ty bị cáo buộc đã sử dụng các phụ gia che giấu chất lượng tồi của thịt và hối lộ quan chức thanh tra để được thông qua quy trình kiểm duyệt, cấp phép sản phẩm.
Theo thông cáo của Senacom, các công ty này phải thu hồi toàn bộ sản phẩm của họ “trong vòng 5 ngày”. Quyết định thu hồi sản phẩm là một phần trong những nỗ lực của chính phủ Brazil nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của bê bối thịt bẩn đối với nền kinh tế lớn ở châu Mỹ La tinh này.
Xuất khẩu các sản phẩm thịt là ngành mang lại nhiều lợi nhuận cho Brazil với kim ngạch 12 tỷ USD hàng năm. Tới nay ngành công nghiệp chế biến thịt của Brazil đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề sau khi các thị trường lớn của họ như Trung Quốc và Hong Kong dừng nhập khẩu mọi sản phẩm thịt, còn Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu với 21 công ty đang bị điều tra.